CHUYỆN CÁ CHẾT, TÂM LÝ ĐÁM ĐÔNG VÀ NGỤY BIỆN CỦA LÊ QUỐC VINH
Trong trắc nghiệm ngụy biện 8 (https://goo.gl/obfgk9) hôm trước, admin có giới thiệu và nhờ độc giả tìm thử các ngụy biện trong bài viết của nhà báo Lê Quốc Vinh có tựa đề "Chuyện cá chết và hiện tượng đám đông" được rất nhiều người like và share (https://goo.gl/kz81TN). Đọc kỹ lại bài viết ấy của Lê Quốc Vinh, admin thấy đây là bài viết khá nhiều ngụy biện phức tạp, tinh vi và rất thú vị. Do đó admin trích nó ra thành một ví dụ phân tích ngụy biện tổng họp và đưa lên đây một cách riêng rẽ cho độc giả dễ hình dung và hiểu rõ thêm về các lỗi ngụy biện luôn.
Một cách sơ lược, bài viết của Lê Quốc Vinh đã phạm hàng loạt các lỗi ngụy biện. Nghiêm trọng nhất là các ngụy biện: ngụy biện thiên vị (cherry picking fallacy), ngụy biện so sánh ẩu (faulty analogy), ngụy biện kết luận ẩu (jumping to conclusions) và ngụy biện trắng đen (black-white fallacy) và ít nghiêm trọng hơn là ngụy biện lạm dụng tác phong (appeal to appearance and manner).
Chúng ta xem qua các lỗi ngụy biện nghiêm trọng trong bài viết trước.
- Ngụy biện thiên vị (cherry picking fallacy https://goo.gl/aqmEvy): trong toàn bộ bài viết trên, Lê Quốc Vinh chỉ trích dẫn lý thuyết tâm lý học đám đông của Le Bon, một lý thuyết cũ, đã cách đây hơn 120 năm, lỗi thời, cực đoan và nhiều tranh cãi, để dẫn dắt và thuyết phục độc giả rằng có một đám đông nguyên thủy, không biết suy nghĩ trong vụ cá chết. Cách đưa tin và lý thuyết tâm lý học đám đông vậy là vô cùng thiên vị, không có thông tin trái chiều mà chí thông tin có lợi cho luận điểm của Lê Quốc Vinh mà thôi. Lê Quốc Vinh đã không đề cập hay nói gì thêm về các lý thuyết tâm lý học đám đông khác, hiện đại hơn, trái chiều Le Bon, chẳng hạn như lý thuyết “trí tuệ đám đông” của James Surowiecki, trong đó bảo trong một vài trường hợp đám đông đa số sẽ thông minh hơn thiểu số… Độc giả xem kỹ hơn phân tích ngụy biện này trong ví dụ 22 (https://goo.gl/47uzlH) vừa rồi nhé.
- Ngụy biện kết luận ẩu (jumping to conclusions, https://goo.gl/R77WVl, xem ví dụ 9 https://goo.gl/U6L5Pa)): Lê Quốc Vinh chỉ giới thiệu thiên vị lý thuyết Le Bon, sau đó chỉ dẫn hai ví dụ, một là một hình ảnh sai sự thật không tại VN, một tin clip cá chết do VTC đưa tin có vẻ thiếu chính xác (theo quan điểm của Lê Quốc Vinh) và từ đó kết luận có một đám đông kiểu Le Bon mô tả ở thế kỷ 19: “xử sự như người nguyên thuỷ, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng nói” tại Việt nam ở thế kỷ 21, từ vụ cá chết. Đó chính là ngụy biện kết luận ẩu, phán ẩu. Vì vài ví dụ được cho là đưa tin sai đó thì sao có thể bảo là đám đông ngu muội, dã man, không biết suy nghĩ? Đám đông Lê Quốc Vinh muốn nói tới là đám đông nào trong khi ở thế giới Facebook một thông tin sai lan nhanh, thì cũng ngay lập tức sẽ có người kiểm chứng và làm rõ nó, truyền tin lại chính xác cho đám đông ngay. Làm sao đám đông có thể ngồi yên, thờ ơ khi chứng kiến hàng loạt tin tức cá chết trải dài khắp các tỉnh miền Trung trong cả hai tháng nay (hay một tháng tính từ khi bài viết LQV ra đời)? Làm sao có vài người không thể truyền một tin chính thống trên báo nhà nước là VTC mà bảo họ là nhẹ dạ, không biết suy nghĩ?
Ngụy biện trắng đen (black-white fallacy https://goo.gl/2yBi6F, xem ví dụ 5 https://goo.gl/r7yvA2): Lê Quốc Vinh đã khéo léo cài người đọc vào giới hạn lựa chọn trong trường hợp Formosa là tác nhân gây độc trong đoạn văn sau:
(trích) Nếu kết quả cuối cùng cho thấy Formosa là tác nhân gây độc, thì CHẮC CHẮN giải pháp vẫn không phải là buộc họ cuốn gói ra đi như những gì nông dân Hà Tĩnh, Quảng Bình đang đòi hỏi. Đó sẽ là một hình phạt vô cùng nặng nề, như Thủ tướng đã cam kết, những nỗ lực giảm thiểu tác hại môi trường (hy vọng thế) và tiếp theo là một loạt các biện pháp giám sát chặt chẽ quy trình xả thải. Bởi vì, việc đóng cửa khu công nghiệp 10 tỷ đôla này sẽ gây ra một loạt hệ luỵ vô cùng lớn, mà người tổn hại không phải chỉ là Formosa (hết trích).
Cách nhấn mạnh “CHẮC CHẮN” không đóng cửa Formosa nếu nó bị chứng minh là tác nhân gây đại họa ô nhiễm miền Trung, cài suy nghĩ người độc vào giới hạn lựa chọn như vậy, trong khi thật ra vẫn có các lựa chọn khác, chính là thủ thuật ngụy biện trắng đen (black-white fallacy). Ở đây nếu thật sự Formosa xả thải, giết cá, giết người, giết môi trường, đe dọa cả nền công nghiệp đánh bắt cá và đời sống ngư dân miền Trung và Nam Trung Bộ, đe dọa tính mạng và an toàn thực phẩm, sức khỏe của hang triệu dân thì không lý gì phải giữ nó lại đó cả, nhất là khi ta chứng kiến sự quản lý lõng lẽo và cả bao che của cơ quan địa phương trong quản lý khu công nghiệp đầy tai tiếng này. Lúc đó một giải pháp có thể tính đến là đóng cửa vĩnh viễn, bắt nó đền bù rục xương, sa thải tất cả quan chức nào liên quan đã để nó vào Vũng Áng đầu độc biển, đầu độc dân Việt Nam, ngoài giải pháp giữ nó lại và cố gắng kiểm soát, như đề xuất giới hạn của Lê Quốc Vinh.
Ngụy biện so sánh ẩu (faulty analogy http://goo.gl/1XjuRW– xem ví dụ 20 https://goo.gl/g6MxRL): Lê Quốc Vinh đã khéo léo liên hệ và so sánh việc chính quyền xử lý về mặt PR trong vụ cá chết với cách công ty anh ta xử lý sự cố thương hiệu sữa gặp phải năm 2013. Tuy nhiên đó là một so sánh cực kỳ khập khiễng và ẩu. Hai sự việc quá khác nhau về lĩnh vực (một bên là sự cố một công ty với công chúng, một bên là thảm họa môi trường cấp nhà nước), giữa tầm mức và tác hại (một bên chỉ liên quan sự cố một sản phẩm sữa tiêu dùng, một bên liên quan sinh mạng và sinh nhai hàng triệu người, trong thời gian dài) của hai sự việc. Phép so sánh ẩu của Lê Quốc Vinh sử dụng ngẫm nghĩ rất la. Có thể bằng phép so sánh này anh ta muốn giảm nhẹ sự nghiêm trọng vấn đề ô nhiễm biển nghiêm trọng ở miền Trung, hoặc anh ta muôn nhân cơ hội này PR cho tài PR của mình, PR cho công ty của mình, hoặc anh ta quen xài ngụy biện so sánh ẩu thành thói quen mà không hề biết?
Ngụy biện lạm dụng tác phong (fallacy of appearance and manner http://goo.gl/I9Nulu, xem ví dụ 8 https://goo.gl/d6dLvl):
(trích) Trong khi đó, truyền thông – hay đúng hơn là public relations, là môn khoa học và nghệ thuật bảo vệ hình ảnh, danh tiếng và tạo dựng niềm tin đối với công chúng. Dân PR thực thụ, và các doanh nghiệp, tổ chức mà tôi tư vấn hoặc đào tạo đều hiểu như vậy, chứ không phải cách hiểu hời hợt của nhiều quý vị. (hết trích).
Câu thứ hai chính là Lê Quốc Vinh dùng bằng cấp, kinh nghiệm của mình để “lòe” thiên hạ, đánh vào tâm lý độc giả mà thôi, chính là phạm ngụy biện lạm dụng tác phong. Thật ra không cần câu thứ này của LQV thì câu nói trước đó vẫn ổn. Public relations là thuật ngữ thông dụng, không có gì phải lăn tăn hay lên giọng ở đây cả. Tuy nhiên lỗi ngụy biện này ít nghiêm trọng, do không ảnh hưởng gì đến logic bài viết.
Ngoài các ngụy biện trên, Lê Quốc Vinh còn có các nhận định sai lầm. Ví dụ:
(trích) tôi nói rằng vấn đề của chính quyền là để mất niềm tin nơi công chúng, và cội nguồn của việc mất niềm tin là ở năng lực làm truyền thông của họ. (hết trích)
Câu nói trên của Lê Quốc Vinh là sai. Cội nguồn của việc mất niềm tin ở chính quyền chính là năng lực kỹ trị, quản lý và điều hành đất nước của họ, chứ không phải chỉ ở năng lực truyền thông. Trong nhiều năm qua, quá nhiều đại án tham nhũng, quá nhiều sai lầm, quan tham vơ vét của cải, đi xe siêu sang, những cú đấm Vinashin, Vinaline thất thoát hang trăm ngàn tỷ đồng, đại họa Boxit Tây Nguyên, tình trạng nợ công chồng chất và các thảm họa môi trường gần đây như khô hạn, nhiễm mặn ở đồng bằng SCL cũng như cá chết hang loạt trên diện rộng ở miền Trung chỉ là giọt nước tràn ly mà thôi. Tất cả những sự thật đó trong thời đại thông tin hiện nay thì không ai có thể bưng bít nổi, cho dù chính quyền nắm trong tay hàng trăm bài báo, truyền thông lớn nhỏ đi chăng nữa. Truyền thông gì thì cũng phải dựa trên những sự thật khách quan mà ra. Chính quyền nhiều cái sai như vậy, nhiều người biết và thấy đó, thì dù có truyền thông tốt cỡ nào cũng không thể bưng bít hết cái xấu của chính quyền được cả.
Lê Quốc Vinh đã quá ngây thơ (hay cố ý ngây thơ), khi bảo rằng cội nguồn của việc chính quyền mất niềm tin là ở năng lực làm truyền thông của họ, chứ không dám nói thẳng ra đó là do năng lực kỹ trị của chính quyền, những bất cập của hệ thống chính trị này. Câu nói sai và (có vẻ) ngây thơ ấy có thể xét vào ngụy biện kết luận ẩu (jumping to conclusions) luôn.
Tóm lại, bài viết của Lê Quốc Vinh đã dùng hàng loạt ngụy biện đa dạng, vừa tinh vi vừa kín kẽ, kết hợp các nhận định sai trái, dùng uy tín cá nhân và câu chữ cao siêu đánh vào tâm lý độc giả, thông tin lúc dẫn nguồn lúc không, vừa mờ mờ ảo ảo vừa thiên vị, nên đã đánh lừa được nhiều người. Kết quả là đã có hàng người like và share bài viết tệ hại này và vài tờ báo trong nước cũng đã đăng lại bài viết nó (như Infonet: http://goo.gl/vFKSMx).
Thật ra đối với admin thì bài viết của Lê Quốc Vinh cũng có vài chỗ xem được. Đó là trong đoạn Lê Quốc Vinh khuyên các nhà báo nên đưa tin trung dung, khách quan không để cảm xúc vào trong bài tường thuật của mình, hoặc đoạn tư vấn chiến lược PR cho chính phủ trong trường hợp này, trong đó Lê Quốc Vinh khuyên chính phủ rằng phải có chiến lược truyền thông, phải có thông tin minh bạch và nhiều chiều. Đó là vài điểm sáng nhỏ nhoi trong bài viết của Lê Quốc Vinh.
Admin phân tích tổng hợp ngụy biện bài viết của Lê Quốc Vinh, với mong muốn rằng các độc giả có một ví dụ hay, để từ đó hiểu được các kiến thức ngụy biện mà admin đã nói trong từng ví dụ đơn lẻ trước đó trong Album các ví dụ ngụy biện ((https://goo.gl/2aNvyH), và từ đó nhận rõ hơn nữa tầm quan trọng của kiến thức ngụy biện - fallcy. Chúng ta phải nghiên cứu và tìm hiểu ngụy biện – fallacy, để phát hiện và không để cho những bài viết tệ hại, nhiều ngụy biện thế này đánh lừa chúng ta. Có tư duy phân tích ngụy biện, chúng ta sẽ có thể nâng tầm mình lên, sáng suốt hơn, độc lập hơn, tỉnh táo hơn và sẽ đủ khả năng nhận biết ai là trí thức thật, ai là tri thức giả dù họ là big name cỡ nào, nổi tiếng cỡ nào - trong thời đại hỗn mang thông tin ngày nay, các bạn nhé.