Ngụy biện khái quát hóa vội vã (hasty generalization hay over generalization)
A: Nhiều em học sinh Việt đạt giải toán quốc tế, nên người Việt mình thông minh hơn người khác.
Câu nói của A đã phạm ngụy biện khái quát hóa vội vã (hasty generalization hay over generalization https://goo.gl/BMpBeC): lỗi ngụy biện trong đó người nói chỉ dùng ví dụ cho vài trường hợp nhỏ để từ đó khái quát hóa cho số đông, trong k
hi thật ra các trường hợp nhỏ lẻ ấy không đủ sự đặc trưng và phổ quát để đại diện cho số đông đang xét. Ở đây nếu chỉ dựa vào lẻ tẻ nhóm học sinh đoạt giải Toán thì không thể đủ để nói rằng người Việt Nam thông minh hơn người xứ khác.
Hình trong post này cũng là một ví dụ khác, trong đó sáu người sờ vào sáu vị trí của một con voi và từ đó đưa ra giả định khác nhau và sai về nó. Người sờ vào vòi voi thì nghĩ nó là con rắn, người sờ vào bụng thì nghĩ đó là bức tường… và cả sáu người đều sai.
Trong cuộc sống ta hay gặp lỗi ngụy biện khái quát hóa vội vã này. Như khi người nào đó kể về một vài kinh nghiệm, quan sát nhỏ lẻ, rời rạc, không phổ quát của bản thân để rồi biến nó thành quy luật áp dụng vào số đông, áp đặt cho người đối thoại (người lớn hay xài chiêu này để áp đặt người trẻ). Các từ khóa để đánh hơi ngụy biện này như là trong các phát ngôn có những cụm từ như “Chỉ có những người …”, hay “tất cả những người …”.
Kinh nghiệm rút ra: cẩn thận khi đọc hay đưa ra nhận định mang tính quy luật về đám đông. Nếu là người viết thì nên bảo đảm các ví dụ mình đưa ra đặc trưng và đủ phổ quát để đại diện cho đám đông mình muốn nói đến. Nếu là người đọc khi nhận thấy một nhận định về đám đông của một ai đó, thì phải xét xem các ví dụ đơn lẻ đưa ra có đủ sự phổ quát và đặc trưng để đại diện cho đám đông đó hay không, có phạm vào ngụy biện khái quát hóa vội vã hay không.