Ngụy biện lạm dụng từ cổ (etymological fallacy)
Thời gian gần đây dư luận bàn tán về đề xuất dạy tiếng Hán trong trường phổ thông cho học sinh Việt (http://goo.gl/kc00lg). Ngoài ra có một bài viết nói rằng nhiều từ tiếng Hán Việt người Việt đang dùng là sai, chẳng hạn bài viết trên báo Vntinhnhanh http://goo.gl/i1CCUz
.
(trích) Dưới đây là một số từ ngữ có gốc Hán Việt vẫn thường được chúng ta sử dụng hàng ngày mà không phải ai cũng hiểu đúng, dùng đúng ý nghĩa của chúng.
CHUNG CƯ: Theo cách hiểu thông thường, chung cư (終居 - Zhōng jū) là “nơi ở chung”, hiểu rộng hơn có nghĩa là một khu nhà lớn chia thành nhiều căn hộ nhỏ cho các hộ dân sinh sống bên trong. Tuy nhiên trên thực tế, từ “chung” trong tiếng Hán Việt không có nghĩa là “chung chạ”, mà có nghĩa “cuối cùng” (như chung kết – trận đấu cuối của một giải đấu).
Vì vậy, từ ghép chung cư nghĩa chính xác phải là nơi ở sau cùng, có thể hiểu là... mồ mả hay nghĩa trang (hết trích)
Cách giải thích ý nghĩa từ “chung cư” theo nghĩa cổ trong bài báo như vậy là biểu hiện của một ngụy biện có tên, Ngụy Biện Lạm Dụng Từ Cổ (etymological fallacy http://goo.gl/3SHpmn). Đây là ngụy biện khi ai đó bảo rằng nghĩa của từ nào đó đang dùng hiện nay (present-day meaning) phải tương đồng với các nghĩa cổ (historical meaning) không (ít) được sử dụng của từ đó và anh/chị ta sử dụng nghĩa cổ không còn sử dụng ấy để làm cơ sở cho luận điểm của mình. Luận điểm như vậy phạm lỗi ngụy biện vì nó đã lờ đi tính tiến hóa theo thời gian của ngôn ngữ: nghĩa của từ có thể thay đổi theo thời gian và hoàn toàn khác ý nghĩa cổ xưa của nó.
Trong ví dụ được trích trên, thật ra từ “chung cư” trong thời điểm hiện tại đã được người Việt sử dụng hoàn toàn khác với từ Hán Việt gốc nêu trong bài báo, và chẳng hạn như được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật, ví dụ luật Nhà ở, số 65/2014/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2014: (trích http://goo.gl/85R1Lg) Chung cư hay Khu chung cư là những khu nhà bao gồm nhiều hộ dân sinh sống bên trong các căn hộ khép kín, có hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung (hết trích). Qua đó ta thấy rõ nghĩa cổ của từ “chung cư” theo lý giải trong bài báo đã không còn phù hợp và sử dụng trong đời sống nữa.
Lưu ý nếu chặt chẽ hơn ta vẫn có thể đặt câu hỏi về cách lý giải từ cổ “chung cư” trong bài báo liệu có chính xác hay không? Vì “Chung cư” nối hai từ “chung” và “cư” với nhau, và ngôn ngữ rất có nhiều trường hợp, mỗi từ đứng riêng có ý nghĩa, nhưng nếu nối chung thì ý nghĩa của nó khác xa ý nghĩa hai từ gốc (ví dụ thành ngữ trong tiếng Anh).
Kinh nghiệm rút ra: nghĩa cổ của từ là một đề tài thú vị, nhưng rất nhiều khi nghĩa cổ đó đã không còn đúng trong ngữ cảnh hiện nay và chỉ nên được sử dụng trong môi trường nghiên cứu để hiểu rõ các văn bản cổ do tiền nhân để lại mà thôi. Hãy cẩn thận khi ai đó nói về nghĩa từ cổ với bạn, và nếu điều đó xảy ra, bạn cùng anh ta cần cập nhật với nghĩa mới của từ, kiểm chứng với nhau.
NÓI THÊM VỀ NGÔN NGỮ VÀ NGHIÊN CỨU VĂN HÓA, LỊCH SỬ VIỆT
Ngôn ngữ Việt phổ thông mà đại đa số người Việt đang sử dụng là một ngôn ngữ “lạ”. Chữ viết chúng ta bắt nguồn từ chữ tượng hình Hán, tiếng Nôm sau đó trong vòng một trăm năm gần đây mới chuyển qua dùng chữ cái La tinh (chữ quốc ngữ hiện nay) nhờ công các nhà truyền giáo Châu Âu. Do nguyên nhân lịch sử và văn hóa, tiếng Việt trước đó phải mượn nhiều từ Hán để chuyển tải ý nghĩa nó muốn thể hiện. Các từ Hán Việt này trước nhất là thể hiện bằng chữ Hán, chữ Nôm và sau đó chuyển qua thể hiện bằng chữ quốc ngữ. Dần dần các từ Hán Việt vay mượn này mang ý nghĩa mới, khác hoàn toàn từ gốc, trong hình hài ký tự La tinh đó. Thật ra điều này không lạ, vì ngôn ngữ không có tính bất biến, mà trái lại thay đổi, tiến hóa theo thời gian. Đúng ra việc chuyển tải và định nghĩa các từ ngữ tiếng Việt, trong đó bao gồm từ Hán Việt, sao cho đúng chuẩn phải được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu ngôn ngữ và được công bố, cập nhật rộng rãi hàng năm bằng từ điển tiếng Việt. Từ điển tiếng Việt như vậy (nếu có) sẽ cập nhật những đổi thay trong cách dùng từ trong ngôn ngữ Việt, sao cho phù hợp đời sống thực tế và đó nên được xem là định nghĩa chính xác nhất, mới nhất, phù hợp nhất. Các từ điển tiếng Anh chuẩn là một minh họa điển hình khi chúng luôn được cập nhật, tích hợp các từ ngữ mới từ thực tế cuộc sống. Một ví dụ - từ “bánh mì” của ẩm thực Việt đã được đưa vào từ điển Anh Mỹ American Heritage (AHD) năm 2014 (http://goo.gl/0JC8Ie).
Ở một khía cạnh khác, ta nói về mối tương quan giữa ngôn ngữ và lịch sử, văn hóa của dân tộc. Vì tất cả tài liệu về văn hóa lịch sử Việt Nam hiện nay cho người đọc phổ thông được chuyển tải bằng chữ quốc ngữ, có một sự đứt gãy nghiêm trọng trong việc nghiên cứu văn hóa lịch sử Việt Nam thời điểm trước khi có chữ quốc ngữ. Các văn tự cổ từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước được viết bằng tiếng Hán, Nôm, một số bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha do các nhà truyền giáo và văn hóa Châu Âu để lại, trong khi đại đa số người Việt đang sử dụng chữ quốc ngữ để đọc hiểu về lịch sử, văn hóa VN mà thôi. Việc nghiên cứu lịch sử văn hóa bằng các mẫu văn tự cổ Hán Nôm là một nhu cầu lớn của giới nghiên cứu xã hội, lịch sử Việt Nam. Dĩ nhiên nó rất cần thiết và giúp giải thích cho chúng ta biết cội nguồn của mình, cái gì tạo nên hình hài, ngôn ngữ, văn hóa chúng ta hiện nay...
Sự đứt gãy ngôn ngữ, cùng với cách tiếp cận khác nhau, góc nhìn khác nhau là nguyên nhân khiến những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt người nước ngoài có các xung khắc với những nhà nghiên cứu người Việt. Điển hình là nhà nghiên cứu Lê Minh Khải (tức Liam Christopher Kelley – Giáo sư sử học Trường Đại học Hawaii at Manoa, Hoa Kỳ, nói và viết tiếng Việt rất giỏi) với các nghiên cứu hiện đại, đa dạng, sâu sắc và độc lập về văn hóa, lịch sử Việt Nam của ông. Blog của Lê Minh Khải (http://goo.gl/QF85HB) có các bài viết đáng chú ý, thậm chí trực diện đối đầu với các sử gia Việt Nam. Việt Nam cũng vừa mất đi sử gia Tạ Chí Đại Trường, một nhà nghiên cứu lớn và đã từng nhiều lần tranh luận rất thú vị với Lê Minh Khải (http://goo.gl/tQT00H).
Status này viết khá dài, không chỉ để giới thiệu các bạn về ngụy biện lạm dụng từ cổ (etymological fallacy), mà còn muốn trân trọng giới thiệu các bạn độc giả về một vài điều liên quan kiến thức văn hóa, lịch sử Việt khá nóng hổi, vài big name đáng chú ý của nó. Admin nghĩ nếu các bạn có thời gian tìm hiểu sẽ thấy nhiều thông tin rất bổ ích.
Thân ái.