Ngụy biện dụng bạo lực (ad baculum hay appeal to force)
A: Sếp, sao em phải làm thêm ngày nghỉ cuối tuần mà không có trợ cấp hay trả thêm.
B (sếp): Hoặc chấp nhận làm, hoặc nghỉ việc.
Ở đoạn trên, B đã dùng ngụy biện dụng bạo lực (ad baculum hay appeal to forcehttp://goo.gl/2pmRH6), ngụy biện mà kẻ tranh luận thay vì bàn lý lẽ, logic đàng hoàng thì lại dùng sự đe dọa, ám chỉ đến những điều không hay xảy ra với người đối thoại để làm họ chùn bước, và từ đó phải chấp nhận quan điểm của anh ta một cách bị ép buộc. Ở đây A ăn nói nhã nhặn, có lý, trong khi B thay vì nói chuyện đàng hoàng, đã dùng chiêu thức hù dọa đuổi việc A, để A phải chùn bước và từ đó chấp nhận sự ép buộc của B.
Ngụy biện dụng bạo lực (appeal to force) rất hay được dùng trong trao đổi giữa người lớn và trẻ em trong gia đình, hay trong môi trường mối quan hệ bất bình đẳng như giữa sếp và nhân viên. Người dùng ngụy biện này thường là do thiếu kiên nhẫn, thiếu thời gian hoặc đôi khi kể cả đuối lý, chỉ muốn dùng đe dọa, dụng bạo lực để giành lấy cái gọi là "phần đúng" về mình mà thôi.
Kinh nghiệm rút ra: tuyệt đối tránh dùng đe dọa để giành phần thắng cho mình khi tranh luận, vì suy cho cùng hầu hết nó thể hiện là chúng ta đang đuối lý mà thôi. Nếu gặp phải người sử dụng ngụy biện dụng bạo lực với mình, thì tùy trường hợp ngữ cảnh cụ thể mà chúng ta có thể có cách đối phó khác nhau. Đáp trả lại trực diện là một giải pháp, nhưng đôi khi có thể dẫn đến việc làm tình huống thêm xấu đi, cả hai bên mất kiểm soát, hay có thể làm cho bạn bị thiệt thòi nếu kẻ ngụy biện có quyền lực (sếp chẳng hạn) có thể làm tổn hại đến bạn. Ngoài ra, im lặng và dừng tranh luận là một cách ứng xử có thể tính đến.
#nguybienfallacy