Ngụy biện kinh nghiệm vụn vặt (anecdotal fallacy)
A: Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe á.
B: Ông nội mình hút thuốc ngày một gói mà sống tới 90 tuổi có sao đâu.
Luận điểm của B là một điển hình của "Ngụy Biện Kinh Nghiệm Vụn Vặt" (anecdotal fallacy https://goo.gl/hbbR5k), ngụy biện trong đó kẻ ngụy biện thay vì đưa ra các luận điểm logic về vấn đề đang bàn thì chỉ dựa vào các kinh nghiệm cá nhân chủ quan, vụt vặt hoặc các bằng chứng có tính chất biệt lập, không đủ phổ quát của anh ta (isolated evidence) để từ đó bác bỏ luận điểm của người trao đổi. Ở đây B chỉ dựa vào kinh nghiệm quan sát từ trường hợp ông nội của anh ta, vốn chỉ là trường hợp cá biệt và không đủ phổ quát thì rõ ràng không đủ logic, hợp lý để bác bỏ quan điểm thuốc lá có hại cho sức khỏe của A.
Ngụy biện kinh nghiệm vụn vặt (anedocal fallacy) là một ngụy biện khá thông dụng của người Việt. Chúng ta hay thấy người xung quanh mình dùng kinh nghiệm chủ quan, vụt vặt và rời rạc của họ để bác bỏ các luận điểm của người khác một cách phi logic: “Có người vẫn bình thường, có sao đâu”, hay “có vài trường hợp mình thấy …”. Ngụy biện này có thể là do sự chủ quan, hay nói cách khác là thói quen trao đổi theo kinh nghiệm chủ quan, ít suy nghĩ của nhiều người Việt.
Để bác bỏ ngụy biện này đôi khi tốn thời gian, vì người trao đổi phải chỉ ra kinh nghiệm vụn vặt ấy chỉ là trường hợp đặc biệt, hoặc phải tìm hiểu kỹ trường hợp đặc biệt mà người ngụy biện gặp phải là gì, vì sao như vậy trước khi phản biện chính xác. Tình huống sẽ trầm trọng hơn nếu người ngụy biện này mang trong mình tính cố chấp, cứ khư khư nghĩ các kinh nghiệm chủ quan bản thân anh ta là chính xác, là chân lý và áp đặt vào trong tranh luận luôn.
Kinh nghiệm rút ra: không nên dùng kinh nghiệm chủ quan, nhỏ nhặt của mình để làm cơ sở bác bỏ luận điểm người khác. Càng cẩn thân hơn nếu ta không đủ kiến thức về vùng tranh luận, vì lúc đó rất có thể kinh nghiệm của ta chỉ là nhỏ lẻ và không đủ phổ quát để bàn về chủ đề đó.
Khi gặp người dùng ngụy biện kinh nghiệm vụn vặt (anecdotal fallacy) này với mình, thì bảo anh ấy rằng cái mà anh ấy gặp chỉ là một trường hợp nhỏ lẻ trong bức tranh lớn hơn của vấn đề đang bàn. Nếu thấy anh ta là người cố chấp, khư khư vin vào kinh nghiệm ấy thì … thôi vậy ;)