VIỆT NAM LÀ EM, PHẢI NHƯỜNG NHỊN ANH TRUNG QUỐC – NGỤY BIỆN TAI HẠI CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH CHÂN QUANG

Bài viết là đáp án trắc nghiệm 15 (https://goo.gl/hdX1oE), trong đó chúng ta phân tích ngụy biện bài nói chuyện của vị thượng tọa Thích Chân Quang cách đây vài năm, có tựa đề “Biển đông dậy sống” (link https://goo.gl/ajDbSe). Đây là bài viết khá dài và admin phân tích chính yếu trước các ngụy biện trong 12 phút đầu của clip, sau đó là các sơ lược các ngụy biện trong 40 phút cuối.

1- TÓM TẮT 12 PHÚT ĐẦU

Đầu tiên xin lược trích lại ý chính của hòa thượng Thích Chân Quang trong 12 phút đầu (từ phút 2’40’’ đến 11’50’’) như sau:

(Tóm tắt)

Về nguồn gốc, không chối cải được Trung Quốc là anh, Việt Nam là em.

Vua Đế Minh ở Trung Hoa hồi 4000 năm trước có hai người con Kinh Dương Vương và Đế Nghi, liền tách giang sơn ra làm hai, tính từ Hồ Động Đình (TQ), một nữa cho anh Đế Nghi, và một nữa cho em Kinh Dương Vương (từ Hồ Động Đình đến biên giới Việt Nam bây giờ). Tâm thức Kinh Dương Vương là nhường nhịn, truyền đến người VN đến giờ. Tâm thức vua Đế Nghi, buồn bực truyền đến bây giờ, chiếm đất người em từ đất liền ra tới đảo.

Vì là em, theo tâm thức Á Đông, thì hễ là anh mình là em phải nhường nhịn. Mấy ngàn năm qua, người VN luôn có thái độ kính trọng người Trung Quốc đàng hoàng, không bao giờ mình mất cái lễ này, luôn kính trọng người anh. Chỉ một lần Lý Thường Kiệt hơi hỗn, đem quân đi đánh anh mình.

Còn lại toàn bộ, tuyệt đối, đa số người VN đều bày tỏ lòng kính trọng đối với Trung Quốc. Còn Trung Quốc luôn làm sai bổn phận người anh, ăn hiếp em Việt Nam nhiều ngàn năm qua và làm trái với duy huấn tổ tiên vua Đế Minh.

(hết tóm tắt)

2- CÁC NGỤY BIỆN TRONG 12 PHÚT ĐẦU

  • NGỤY BIỆN SO SÁNH ẨU (faulty analogy http://goo.gl/1XjuRW, xem ví dụ 20 https://goo.gl/bUj6JH) Ngụy biện này ý rằng, hai sự việc chỉ giống nhau một khía cạnh nhỏ, còn khác nhau hoàn toàn các khía cạnh khác nên so sánh chúng với nhau là ngụy biện. Ở đây “anh em” là thuật ngữ dùng cho mối quan hệ trong gia đình, không liên quan và không thể dùng để đặc tả mối quan hệ giữa các quốc gia với nhau. So sánh mối quan hệ hai vị vua trong huyền sử, chưa chắc có thật, để đưa vào mối quan hệ giữa hai quốc gia, từ đó ên dùng mối liên hệ “Trung Quốc là anh, Việt Nam là em” là cực kỳ thiển cận và phạm ngụy biện so sánh ẩu rất rõ ràng. .
  • NGỤY BIỆN VIN VÀO TÍNH DI TRUYỀN (KẾ THỪA) (genetic fallacy https://goo.gl/pIyKYE, xem ví dụ 34: https://goo.gl/tpCxA6) Đây là loại ngụy biện dành chỉ cho ai đó lợi dụng các yếu tố lịch sử, di truyền hay tính kế thừa hoàn toàn không có tính logic nào liên quan (irrelevant) vấn đề đang bàn để biện minh cho quan điểm anh/chị ta. . Không thể có chuyện tâm thức của cá nhân hai ông vua, là nhân vật trong huyền sử (có thể không có thật), lại có thể truyền từ đời này sang đời khác qua hàng ngàn năm cho các thế hệ sau - như luận điểm trên của hòa thượng Thích Chân Quang bảo rằng tâm thức Kinh Dương Vương là nhường nhịn, truyền đến người VN đến giờ, hay tâm thức vua Đế Nghi, Trung Quốc buồn bực chiếm đất người em từ đất liền ra tới đảo từ xưa đến giờ. Những nhận định không có tính logic như vậy đã phạm phải genetic fallacy, “ngụy biện vin vào tính di truyền (kế thừa)” này. .
  • NGỤY BIỆN LẠM DỤNG CẢM XÚC (appeal to emotion http://goo.gl/T8Nkh6, xem ví dụ 11 https://goo.gl/VxDtmO), loại ngụy biện trong đó thay vì dùng các yếu tố logic để thuyết phục người đối thoại/độc giả về vấn đề đang bàn, kẻ ngụy biện sẽ dùng các câu chữ mang cảm tính cao, hay gắn một giá trị đạo đức vào một đề nghị hay một câu phát biểu nhằm đánh vào tâm lý, cảm xúc của người đối thoại, để từ đó, họ chấp nhận luận điểm (thiếu tính logic) của kẻ ngụy biện. . Cách so sánh ẩu “Trung Quốc là anh, Việt Nam là em”, dùng mối quan hệ gia đình “anh em” vào đây chính là cách đánh vào tâm lý của độc giả rất lợi hại của hòa thượng Thích Chân Quang, để từ đó ông ta đưa ra nhận định “Việt Nam là em, phải giữ đạo nhường nhịn anh Trung Quốc, dù bị ăn hiếp”, từ đó phán luôn “Lý Thường Kiệt đem quân đi đánh Trung Quốc là hỗn”. Hay nhận định Trung Quốc “làm trái duy huấn tổ tiên” (chỉ cho việc Trung Quốc đánh chiếm Việt Nam) cũng hoàn toàn không có tính logic nào và chỉ là đánh vào tâm lý khản giả/độc giả mà thôi. . Nhận định bảo Lý Thường Kiệt đem quân đi đánh Trung Quốc là “hỗn” của Thích Chân Quang, cho dù có thể muốn thâm ý nào đó, thì cách dùng từ “hỗn” như vậy cũng có thể xem là sự xúc phạm, phỉ báng nặng nề vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, người (được cho) là tác giả “Nam Quốc Sơn Hà”, tuyên ngôn độc lập đầu tiên cho dân tộc, mà đại đa số người Việt kính trọng. Nhiều người có thể không nhận ra sự phỉ báng rất đáng chê trách này, cũng là hệ quả từ những luận điểm ngụy biện của Thích Chân Quang mà chúng ta vừa xem xét ở trên. .
  • NGỤY BIỆN KẾT LUẬN ẨU (jumping to conclusions https://goo.gl/R77WVl, xem ví dụ 9 https://goo.gl/U6L5Pa): ngay từ đầu bài nói chuyện, Thích Chân Quang đã khẳng định Việt Nam là em, Trung Quốc là anh, chính là phán ẩu, kết luận ẩu. Các bằng chứng, luận điểm Thích Chân Quang đưa ra đều là ngụy biện và không thể có tính logic để kết luận như thế.

3- PHẦN SAU CỦA BÀI NÓI CHUYỆN (phút 12 đến phút 53)

Do nhiều độc giả yêu cầu, admin tóm tắt và phân tích thêm luận điểm của hòa thượng Thích Chân Quang trong phần sau của clip.

3.1 TÓM TẮT (phút 12 – 53)

(Phút 12-14): lịch sử cho thấy “em” Việt Nam đánh trận tốt hơn “anh” Trung Quốc

(Phút 15-17): Trung Quốc giúp VN rất nhiều trong cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, nhưng từ thời Lê Duẩn VN luôn ngoan cường với TQ, giúp Lào chống trả TQ.

(Phút 18-29): nói về bản chất chính trị là nói dối, bỉ ổi, làm mọi cách để dành phần lợi cho cá nhân, dân tộc. Tuy nhiên “nhân quả là nhân quả, đạo lý là đạo lý” và đạo đức, tình nghĩa vẫn là ngọn hải đăng trong chính trị. Luật nhân quả luôn dành cho người anh hùng, đức độ sự công bằng xứng đáng

Ví dụ vua Trần Thái Tông là vị vua lớn, nhưng bỏ đi tu. Cháu Trần Hưng Đạo sau đó dù nắm binh quyền vẫn không nghe lời cha Trần Liễu để giành ngôi vua, và được đời sau tôn trọng, gọi là đức Thánh Trần.

Chính trị là thủ đoạn nhưng đạo đức, tình nghĩa vẫn là ngọn hải đăng. Việt Nam đã chọn lối sống tình nghĩa với Trung Quốc, chứ người VN không chọn lối sống thủ đoạn. Người VN đau lòng khi nghe những mất mát của người Trung Quốc. Người Việt Nam ngưỡng mộ văn hóa, văn minh Trung Quốc. Người VN thích võ thuật Trung Quốc. Như đạo Nho, đạo Khổng Tử của Trung Quốc đã có tác động rất lớn đến văn hóa VN.

(Phút 30 – 39) Kể chuyện vua Càn Long đối xử tốt với vua Quang Trung. Người VN cảm kích, biết ơn, yêu quý tấm lòng vua Càn Long.

(Phút 40 – 42): tính quyết liệt, ngoan cường của bí thư Lê Duẫn với cả Trung Quốc và Liên Xô.

(Phút 43 – 52): bệnh lấn chiếm đất láng giềng của Trung Quốc. Bệnh cần phải chữa. Người TQ sẽ bị bất lợi và mất uy tín nếu giữ thói quen ăn cướp đó.

Trung Quốc sẽ tổn phước do ăn hiếp láng giềng. Ví dụ Trung Quốc liên tục bị mưa bảo, thiên tai do ăn hiếp Việt Nam.

(Phút 53): TQ hãy thực hiện đạo lý mà mình đã dạy cho thế giới: người quân tử. Riêng Việt Nam sẵn sàng lập chiến công trên biển dù theo đuổi cuộc chiến này 20 năm.

3.2. VÀI NGỤY BIỆN TRONG 40 PHÚT CUỐI
  • NGỤY BIỆN THIÊN VỊ (cherry picking fallacy https://goo.gl/aqmEvy, xem ví dụ 22: https://goo.gl/frWzpI): loại ngụy biện khi ai đó thuyết phục người đối thoại/độc giả một cách không khách quan, đầy thiên vị bằng cách chỉ dùng các thông tin, bằng chứng có lợi cho luận điểm của anh ta trong khi lại lờ đi, hay che dấu các thông tin, bằng chứng khác không có lợi cho luận điểm ấy.). . Luận điểm “đạo đức, tình nghĩa vẫn là ngọn hải đăng trong chính trị”, luật nhân quả luôn dành cho người anh hùng, đức độ sự công bằng xứng đáng của hòa thượng Thích Chân Quang là thiên vị và không chính xác, nhất là trong mối quan hệ chính trị bang giao giữa hai nước. Ông đưa ra các ví dụ Trần Hưng Đạo, được nhân dân và lịch sử ghi nhận, nhưng đó chỉ là một cá nhân trong một đất nước. Trong bang giao hai nước, có rất nhiều ví dụ “cá lớn nuốt cá bé bất chấp đạo lý, đạo nghĩa” nhưng vẫn có hiệu quả và dành được phần lợi cho kẻ thủ mưu. Như việc TQ nuốt chửng Hoàng Sa, vài đảo tại Trường Sa (như đảo Gạc Ma) của Việt Nam và từ đó giúp TQ từ con số 0 nay đã trở thành “ngáo ộp” tại biển Đông. Như việc đất nước và con người Tây Tạng theo đạo Phật hiền lành nhưng vẫn bị TQ nuốt chửng và người Tây Tạng vẫn đang ngày qua ngày bị người Hán đồng hóa, chịu đựng bao thảm cảnh trên chính đất nước của mình. . Đưa góc nhìn đạo đức, đạo nghĩa, nhân nghĩa, xem việc giữ gìn nó là yếu tố quan trọng trong chính trị là góc nhìn hời hợt, yếm thế và đầy cảm tính. Như trong ngoại giao chính trị, các quy tắc bang giao quốc tế, chính quyền mỗi nước hướng tới thực hiện các quyết định làm lợi cho đất nước mình, các mưu mô chước quỷ như việc nhà cầm quyền nước lớn mưu chuộc nhà cầm quyền nước nhỏ, các yếu tố đia chính trị quốc tế và khu vực là chứ không chỉ đơn giản là “đạo đức, nhân nghĩa” như thế. . Thông tin, nhận định về vua Càn Long với vua Quang Trung của hòa thượng Thích Chân Quang cũng cần nhìn nhận lại một cách cẩn thận. Chẳng hạn có một góc nhìn khác của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính gần đây đã đánh giá Nguyễn Huệ có vẻ đã sai lầm khi nghiêng về triều cống, phiên thuộc nhà Thanh sau cuộc chiến Việt - Thanh (nguồn: https://goo.gl/8FXCG9). Admin trích một đoạn như sau:

(trích) Tuy nhiên, thắng lợi đó chưa hẳn đã mang lại những hậu quả tốt đẹp khi chúng ta lùi ra xa một chút để nhìn vấn đề cho được rộng rãi.

Để được công nhận làm chủ nước Nam, vua Quang Trung phải tuân thủ những yêu cầu của nhà Thanh trong mô hình thiên triều – phiên thuộc. Từng bước một, cái danh vị “An Nam quốc vương” trở thành một hệ lụy nên trong suốt hai năm liền (1789-1790) triều đình Tây Sơn chỉ thuần túy lo việc nghi lễ cho phù hợp với tình hình mới. Mặt ngoài, vua Quang Trung được coi như một phiên thuộc hàng đầu, bản thân Nguyễn Quang Bình thực không khác gì một người con yêu của vua Càn Long với mọi ưu đãi nhưng nhìn vào đại thể, An Nam đã thành một hành tinh quay chung quanh mặt trời và cũng lún theo sự suy bại của Trung Hoa. (hết trích)

4- KẾT

Bài nói chuyện của hòa thượng Thích Chân Quang có điểm tích cực là ủng hộ tinh thần chống Trung Quốc chiếm biển đảo trên biển Đông, nhưng điểm tiêu cực là nó đã truyền bá nhiều luận điểm ngụy biện nguy hiểm cho các Phật tử và độc giả. Hai luận điểm ngụy biện nổi cộm là

  1. Tuyên truyền đạo lý “Trung Quốc là anh, Việt Nam là em. Việt Nam phải giữ đạo làm em, luôn nhường nhin anh” (12 phút đầu), và
  2. Đưa ra góc nhìn hời hợt, cảm tính trong đó “đạo đức, tình nghĩa vẫn là ngọn hải đăng trong chính trị”.

.

Luận điểm ngụy biện “Việt Nam phải giữ đạo làm em, luôn nhường nhin anh Trung Quốc” là rất đáng lên án. Trong bối cảnh Trung Quốc đã và đang không ngừng dùng các chiêu trò chiếm biển đảo Việt Nam, tấn công biên giới VN cả trên đất liền lẫn trên biển, đưa người vào trong các tỉnh thành để xây các công trình dân cư trái phép, phá hoại kinh tế VN, từng kích động Polpot đánh VN ở biên giới Tây Nam, đưa công nghệ ô nhiễm môi trường vào Việt Nam để tiêu diệt môi sinh ... thì hơn bao giờ hết, người Việt Nam cần nhìn nhận Trung Quốc như một đại họa đe dọa sự tồn vong dân tộc, là đối thủ vô cùng nguy hiểm, chứ không thể mang tư tưởng anh em, mình phải nhường nhịn yếm thế như vậy.

.

Cuối cùng admin rất mong muốn độc giả page cũng như các Phật tử cẩn thận với những vị hòa thượng lồng ghép những bài giảng về chính trị với các luận điểm đầy ngụy biện kín kẽ vào trong các bài giảng về Phật pháp, như hòa thượng Thích Chân Quang này.

P/s: Đây là bài viết số 15 trong album "Các phân tích ngụy biện (fallacy) tổng hợp phức tạp" https://goo.gl/G2SThz, một trong 7 album chính của page Ngụy biện - Fallacy. Mục lục toàn bộ bài viết và bảy album của page xem tại https://goo.gl/G2SThz

results matching ""

    No results matching ""