Ngụy biện lảng tránh chủ đề (fallacy of avoiding the issue)

Gần đây trường Đại học kinh tế Quốc dân tại Hà Nội quyết định tăng học phí lên đến hơn 30% so với mức học phí cũ (http://goo.gl/1W8czV), gây khó khăn và bức xúc cho nhiều sinh viên đang theo học tại trường. Có một bài viết của một vị giảng viên trường này, tên Pham Thanh Long, về vấn đề tăng học phí của trường và được đăng lại vài nơi, như trên báo vitalk.vn (link http://goo.gl/jLS63N)

Bài viết của tác giả Pham Thanh Long khá dài nên chỉ xin tóm tắt ý chính của bài viết. Tổng quan, tác giả bảo rằng:

  1. Trường là doanh nghiệp, quan hệ sinh viên với nhà trường là mua & bán sản phẩm giáo dục.
  2. Đi học đại học là một phi vụ đầu tư và học phí là chi phí đầu tư
  3. Học phí đại học tính theo cách tính giá cả thị trường (thương hiệu trường, chất lượng giáo dục trường, các chi phí trường bỏ ra …).
  4. Sinh viên cần tự chủ động và tự tìm cách giải quyết vấn đề tài chính của mình khi trường tăng học phí (như đi làm thêm, như kiếm học bổng hoặc học thiệt nhanh để rút ngắn thời gian học …).
  5. Khi tăng học phí, trường Kinh tế quốc dân cần gia tăng chất lượng dịch vụ giáo dục cho sinh viên, còn giáo viên trường thì cần giải thích việc học phí theo quy luật thị trường cung – cầu trong giáo dục đại học để sinh viên hiểu.
  6. Vài thứ râu ria, như không đem các yếu tố thu nhập chênh lệch nông thôn, thành thị, hay giàu nghèo vào trong tính học phí, mọi người phải tuân thủ luật chơi thị trường…

Thật ra các ý kiến của tác giả Pham Thanh Long không phải là không có lý của nó. Nhưng, có một điều chính yếu và rất quan trọng mà không thấy tác giả này đề cập đến trong bài viết: tại sao trường ĐH Kinh tế quốc dân lại tăng học phí lên đến mức 30% mà không phải là các con số thấp hơn, ít gây sốc hơn, như 5%, 10%, 15% hay 20%. Thiết nghĩ đây mới là nguyên nhân chính gây bức xúc cho các sinh viên trường và là điều cần bàn đến nhất.

Việc tác giả PTL tránh né chủ đề chính yếu, vì sao có con số tăng học phí 30% đột ngột ấy, chính là một biểu hiện của ngụy biện lảng tránh chủ đề (fallacy of avoiding the issue https://goo.gl/6KDa8o), ngụy biện trong đó kẻ ngụy biện sẽ trả lời một luận điểm bằng cách đi vòng vèo các vấn đề xung quanh, mà không trả lời các ý chính trong luận điểm đó. Ở đây sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân không chỉ đơn giản bức xúc vì sao trường lại tăng học phí, mà họ bức xúc nhất là vì sao trường này lại tăng mức học phí đột ngột quá cao, lên đến 30%, một con số rất bất thường và gây sốc với nhiều sinh viên.

Ngụy biện lảng tránh chủ đề (avoiding the issue) rất hay được các chính trị gia sử dụng. Trong xã hội, ngoài việc có người cố ý dùng nó như một thủ thuật ngụy biện trong tranh biện, cũng có nhiều người sử dụng nó như thói quen vô thức. Nguyên nhân có thể liên quan vấn đề đọc hiểu, nhiều người không tranh biện và không đọc nhiều, nên họ không nắm bắt ý chính vấn đề trao đổi nhanh và phải mất một thời gian họ mới hiểu được ý chính vấn đề. Do ít tranh luận và nói chuyện, nhiều người cũng không có khả năng trình bày đúng, chính xác những ý kiến và suy nghĩ của họ nhanh mà phải mất một thời gian ấp a ấp úng, họ mới có thể diễn đạt hết chúng. Nguyên nhân ngụy biện này cũng có thể liên quan thói quen xấu khi tranh luận: nhiều người có thói quen nói luyên thuyên những điều mình biết gần gần chủ đề tranh luận để khoe mẽ, chứ không trực diện đi vào vấn đề cần bàn. Về cơ bản, người phương Tây có cách nói chuyện trực diện đi thẳng vào vấn đề hơn so với người phương Đông.

Kinh nghiệm rút ra: khi gặp một người dùng ngụy biện lảng tránh chủ đề (avoiding the issue), bạn nên lịch sự yêu cầu anh/chị ta tập trung và quay lại chủ đề chính đang trao đổi. Chúng ta cũng nên tập thói quen sớm đi thẳng vào trọng tâm vấn đề khi tranh luận để tiết kiệm thời gian và buổi nói chuyện súc tích hơn, chất lượng hơn. Đôi khi không dễ dàng để có được điều này mà nó đòi hỏi bạn phải lưu tâm tập tranh luận và phát biểu ý kiến của mình trong gia đình, nhà trường, công sở, bạn bè sao cho lời bạn nói hợp lý, logic và trực diện vấn đề trong thời gian dài trước đó... Lưu ý, sớm đi thẳng vào chủ đề cần nói, nhưng vẫn giữ sự tế nhị, lịch sự và tôn trọng nhau, chứ không phải bổ bả chỉ được ý mình, mà không quan tâm cảm xúc, suy nghĩ người đối thoại, các bạn nhé.

#nguybienfallacy

results matching ""

    No results matching ""