THUYẾT LUÂN HỒI và TƯ DUY THỜ PHƯỢNG QUYỀN LỰC

Status này là phân tích ngụy biện cho một bài viết tồi tệ đả kích giáo sư Ngô Bảo Châu của tác giả Nguyễn Thị Lý được đăng tại https://goo.gl/b4imWa.

Bài viết khá dài, đoạn đầu là lược trình tiểu sử của giáo sư Châu từ khi ông lớn lên, đoạt giải thưởng Field và có dành thời gian trở về làm việc tại VN gần đây. Chúng ta chú ý đoạn cuối của bài viết công kích GS Châu như sau:

(Trích) Tuy nhiên, trước truyền thống của gia đình suốt mấy thế hệ cống hiến cho tổ quốc, công lao giáo dục đào tạo, tạo điều kiện hết sức của Đảng, Nhà nước Việt Nam, trước kỳ vọng và của cả dân tộc thì Ngô Bảo Châu đã tự đánh mất mình khi tự cho mình là người tài và đã bị thế lực thù địch lôi kéo đi theo vết xe đổ của những tên bán nước cầu vinh, mặc dù chưa có đóng góp gì cho đất nước nhưng Châu đã phụ bạc lại tổ quốc nơi mình sinh ra, đặc biệt là đã hỗn xược xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Ngày 19/05/2016 nhân ngày sinh nhật lần thứ 126 của Hồ Chí Minh, Ngô Bảo Châu viết trên Facebook cá nhân của mình: “Có quý‎ mến ai thì mong họ thoát khỏi vòng luân hồi, đừng bắt họ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Tiếp đó Ngô Bảo Châu tiếp tục cổ súy cho các hành động sai trái chống phá đất nước của những tên phản động như Lê Công Định, Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam, Mẹ Nấm

(Hình 3 status của GS Châu)

Kể từ đây, trong mắt người dân Việt Nam thì Ngô Bảo Châu chỉ là một con trâu biết làm toán không hơn, không kém.

(hết trích)

THUYẾT LUÂN HỒI CỦA ĐẠO PHẬT

Thật ra luận điểm “Có quý‎ mến ai thì mong họ thoát khỏi vòng luân hồi, đừng bắt họ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” - là thể hiện một suy nghĩ của GS Châu (vốn là một Phật tử) về thái độ nên có của hậu thế với cụ Hồ theo góc nhìn đạo Phật.

Thuyết luân hồi của đạo Phật (xem thêm chẳng hạn tại https://goo.gl/IcFJc3) bảo rằng chu kỳ sinh tử của một đời sống có thể ghi nhận qua bốn giai đoạn: sanh, lão, bệnh, tử. Cái chết chỉ là kết thúc một chu kỳ sống và linh hồn đã chết ấy có thể luân hồi tái sinh thành một kiếp sống mới nhanh hay chậm là tùy thuộc vào nghiệp (karma) mà họ tạo ra và gánh phải trong đời sống vừa rồi của họ. GS Châu bảo nếu thương ông cụ thì để ông cụ siêu thoát, xóa bỏ các tham ưu báu víu của ông cụ với trần thế, "đừng bắt ông cụ theo mãi sự nghiệp chúng ta" - hoàn toàn có logic và cũng rất nhân văn theo tín ngưỡng Phật. Nhìn thêm hơn nữa cũng theo thuyết luân hồi của đạo Phật, cách thức mà chúng ta đang làm với cụ Hồ sau khi ông qua đời có thể đã làm cho cụ phải gánh thêm cái nghiệp quá lớn, khó siêu thoát. Như việc chúng ta làm trái di nguyện của cụ trong di chúc, là "hỏa táng thi hài; tro hỏa táng chia làm ba phần, bỏ vào ba hộp sành cho miền Bắc, Trung, Nam; mỗi hộp tro hỏa táng được chôn trên một quả đồi, không dựng tượng đồng, bia đá trên đó; ai đến thăm mả ông thì nên trồng một vài cây nơi ông an nghỉ." (xem tại https://goo.gl/p7hTX1). Như việc chúng ta ướp xác cụ Hồ (bao gồm phải mổ cắt bỏ các nội tạng và tiêm các dung dịch ướp để ngấm vào cơ thể đã chết https://goo.gl/GYG3In), trưng bày xác ông trong lăng mấy chục năm nay. Hiện nay ngoài cụ Hồ ra thì trên thế giới những người lãnh đạo trong thế kỷ 20 (bị) được ướp xác sau khi qua đời chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và đều là những lãnh tụ cộng sản, như Lê Nin ở Nga, như Mao Trạch Đông ở Trung Quốc, hai cha con Kim Nhật Thành và Kim Jong-In tại Bắc Triều Tiên.

Trở lại lời nhận định của tác giả Nguyễn Thị Lý bảo GS Châu "đã hỗn xược xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh" trong status thứ nhất chúng ta vừa bàn ở trên phạm:

--> NGỤY BIỆN KẾT LUẬN ẨU (jumping to conclusions https://goo.gl/R77WVl, xem ví dụ 9: https://goo.gl/U6L5Pa): ngụy biện khi người phát biểu dù không đủ chứng cứ, lý luận hay bằng chứng vẫn phát biểu những luận điểm vội vã, thiếu logic, thiếu thuyết phục.

Tác giả Nguyễn Thị Lý không hiểu về thuyết luân hồi của đạo Phật và buông lời xúc phạm nặng nề GS Châu

CÁC NGỤY BIỆN KHÁC CỦA BÀI VIẾT

Status thứ hai của GS Châu mà tác giả Nguyễn Thị Lý nhắc đến là việc ông ưa thích hình ảnh biển người dân chúng tại Hà Tĩnh vây quanh trụ sở Formosa để biểu tình phản đối công ty này phá hoại môi trường VN như là biểu tượng năm 2016. Formosa, thủ phạm gây ra thảm họa môi trường miền Trung, vẫn đang tại vị, yên bình và được nhà cầm quyền bảo vệ, tiếp tục cho phép sản xuất thêm vài chục năm nữa trong khi ngư dân miền Trung vẫn đang khó khăn, môi trường biển miền Trung không biết khi nào mới có thể phục hồi. Nếu không có sự phản kháng đáng kể nào của người dân miền Trung, số phận hàng chục triệu người Việt bây giờ và tương lai, môi trường sống, biển VN sẽ luôn đặt trong một hiểm họa đầy rủi ro mang tên Formosa. Nên có thể hiểu được vì sao GS Châu lại lựa chọn như vậy.

Status thứ ba GS Châu "bị đề cập" là khi ông đưa link sự vụ chị Trần Thị Nga (https://goo.gl/naqzWg), người mẹ của hai con nhỏ và là một nhà hoạt động tậm tâm vì quyền con người tại VN dù đã từng bị hăm dọa nhiều lần và đánh gãy cả hai chân, bị bắt và chia lìa hai con nhỏ trước Tết 2017 chỉ vài ngày tại Hà Nam. Cũng không thấy lý lẽ gì của tác giả Nguyễn Thị Lý để nói về nội dung status ấy.

Câu cuối của bài viết

(trích) Kể từ đây, trong mắt người dân Việt Nam thì Ngô Bảo Châu chỉ là một con trâu biết làm toán không hơn, không kém. (hết trích)

phạm hàng loạt ngụy biện, trong đó vừa là:

--> NGỤY BIỆN LỢI DỤNG ĐÁM ĐÔNG (appeal to the people hoặc argumentum ad populum https://goo.gl/RT4wRg, xem ví dụ 17 https://goo.gl/k5tl1O): loại ngụy biện chỉ cho trường hợp thay vì dùng tính logic của sự việc, thì lại kẻ ngụy biện lại vin vào sự ủng hộ của đám đông để cho rằng luận điểm anh/chị ta là đúng. Tác giả Nguyễn Thị Lý bỗng dưng vô cớ lôi đám đông người Việt vào phê phán giáo sư Châu, chính là lợi dụng đám đông.

--> vừa là NGỤY BIỆN GIÈM PHA GÂY CHÁN GHÉT (appeal to spite https://goo.gl/2prc5B - xem ví dụ 12 https://goo.gl/neHlyv): kẻ ngụy biện sẽ dùng các từ ngữ hay cách nói chuyện để đánh vào tâm lý người đối thoại (hoặc độc giả), chứ không phải logic của vấn đề, để họ bỗng có tâm lý chán ghét (vô cớ) một nhân vật, đối tượng nào đó, và từ đó sẽ chấp nhận luận điểm sai trái của kẻ ngụy biện về vấn đề đang bàn.

Do không đưa ra các luận điểm thuyết phục, nên các buộc tội thóa mạ của tác giả Nguyễn Thi Lý với GS Châu là phi logic và chỉ là tấn công cá nhân thấp kém mà thôi.

TƯ DUY THỜ PHƯỢNG QUYỀN LỰC

Tác giả Nguyễn Thị Lý bảo thành quả của GS Châu có một phần từ "công lao giáo dục đào tạo, tạo điều kiện hết sức của Đảng, Nhà nước Việt Nam" là một điều thú vị và cần xem lại. Đảng và nhà nước VN là một tập hợp chỉ vài triệu người, được nuôi bởi tiền thuế của gần trăm triệu người dân VN và có bổn sự phải điều hành và quản lý các vấn đề đất nước, bao gồm quản lý thuế má, phân bổ nguồn tiền, y tế, giáo dục, quốc phòng, văn hóa, giao thương, môi trường... Công dân thì có quyền sử dụng các dịch vụ do nhà nước điều phối (trong đó có giáo dục) và có nhiệm vụ nộp thuế để duy trì bộ máy nhà nước ... Nói cách khác mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân là mối quan hệ tương hỗ hai chiều qua lại, với các quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể khác nhau mỗi bên. Cho nên không riêng gì giáo sư Châu, bất kỳ công dân Việt Nam nào cũng không cần phải mang tâm thế biết ơn công lao giáo dục và đào tạo của Đảng và nhà nước gì hết. Phải nói ngược lại, đảng và nhà nước VN phải luôn biết ơn nhân dân VN đã đóng thuế để nuôi họ mấy chục năm nay. Tóm lại tư duy bảo người dân Việt Nam phải chịu ơn đảng và nhà nước là một tư duy phi logic, lỗi thời và mang hơi hướm thờ phượng quyền lực.

Tư duy thờ phượng quyền lực thái quá là một vấn đề nghiêm trọng tại Việt Nam. Thờ phượng quyền lực ở đây bao gồm "quyền lực chính trị" (quá sợ hãi, khúm núm với cường quyền, quan chức, những nhà lãnh đạo ...), quyền lực học thuật (quá tôn thờ những tên tuổi học thuật mang học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ dù không phải những gì họ nói đều đúng...) hay "quyền lực văn hóa" (tung hô, thần tượng người mẫu, ca sĩ mù quáng)... Tư duy thờ phượng quyền lực là một cản trở cho sự phát triển toàn diện của nhân sinh quan, sự tự do trong suy nghĩ của tất cả chúng ta và đáng lo, nó xuất hiện quá nhiều trong đám đông người Việt. Admin tin rằng bất kể bạn là ai, xuất thân thế nào, chỉ cần bạn có quan điểm riêng, có logic, không ngụy biện thì bạn có thể đặt vấn đề, đối thoại ngang hàng với bất kỳ ai, bất kể họ làm gì, có tên tuổi to lớn thế nào

KẾT

Trách nhiệm của một trí thức là phải luôn có góc nhìn độc lập, phản biện với những gì bất cập xảy ra trong xã hội. Các status "bị đề cập" của GS Châu thể hiện các góc nhìn độc lập của ông và cũng có lý của nó, dù các status ấy có thể không làm vừa lòng một đám đông nào đó, trong đó có tác giả Nguyễn Thị Lý. Bài viết của tác giả Nguyễn Thị Lý quá tồi tệ, không đi vào phân tích lý lẽ mà chỉ là ngụy biện và tập trung tấn công cá nhân ông một cách thấp kém. Rất vui khi thấy nhiều độc giả nhận ra dễ dàng các ngụy biện tồi tệ của tác giả Nguyễn Thị Lý và thể hiện thái độ phản đối quyết liệt của mình với bài viết đó.

Admin chọn phân tích ngụy biện bài viết thấp kém này một phần cũng là để nhân cơ hội giới thiệu quý độc giả, ai chưa biết thì tìm hiểu "thuyết luân hồi" của đạo Phật, một vùng kiến thức thú vị và cũng mong các độc giả lưu tâm thực trạng và tư duy "thờ phượng quyền lực" đáng lo trong xã hội Việt Nam. Admin nghĩ các kiến thức ngụy biện - fallacy sẽ là kim chỉ nam để mỗi người chúng ta xây dựng một góc nhìn độc lập, logic và tự do, nâng tầm mình lên để có thể đối thoại với bất kỳ ai, các bạn nhé.

P/s: Đây là bài viết số 20 trong album "Các phân tích ngụy biện (fallacy) tổng hợp phức tạp" https://goo.gl/N0quXv, một trong bảy album chính của page Ngụy biện - Fallacy. Mục lục toàn bộ bài viết và bảy album của page có thể xem tại

https://goo.gl/G2SThz

results matching ""

    No results matching ""