CÔ KỸ SƯ (?) ĐỒN THỔI TRUNG QUỐC THÔN TÍNH VIỆT NAM: MA TRẬN NGỤY BIỆN NẶC DANH VÀ THUYẾT ÂM MƯU

Status này là phân tích ngụy biện cho một bài viết tựa đề “Câu chuyện gia đình cách mạng và họa diệt vong gần kề” (xem tại https://goo.gl/8Al7Uf) được cho là của một cô kỹ sư tên Phạm Hồng Thúy (chưa được kiểm chứng) ở Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) - trong đó đưa các thông tin về việc Trung Quốc sắp thôn tính được Việt Nam với sự trợ giúp của những người trong bộ máy cầm quyền VN. Bài viết này được hơn 54K share (nghi án là con số share bất thường và giả) và gây tâm lý hoang mang cho không ít bạn độc giả nên admin phân tích ngụy biện của nó, cũng là trả lời cho status hôm trước (https://goo.gl/NW6fZ1) luôn.

Bài viết khá dài, nên xin tóm tắt lại trước. Bức tâm thư được cho là của vị kỹ sư Phạm Hồng Thúy có bốn phần chính.

  1. PHẦN ĐẦU là giới thiệu nhân thân, gia đình cô (người nhà nòi, hồng và chuyên) và nói về trao đổi giữa cô PHT và người bố vốn đã qua đời của cô. Trong trao đổi (năm 2011) đó, bố cô PHT bảo ông ấy rất buồn vì có nguồn tin từ người bạn của ông rằng, TQ đã ép lãnh đạo VN sáp nhập vào TQ trong vòng 30 năm sau hội nghị thành đô (1990), và sẽ trở thành một dân tộc nhỏ như là ngôi sao nhỏ thứ 5 trong lá cờ quốc kỳ sắp tới của TQ.
  2. PHẦN THỨ HAI bài viết là chuyện kể của chính cô PHT trong quá trình làm việc tại EVN, cụ thể là việc cô tham gia làm công trình điện gió tại nhà máy điện Phú Lạc (tỉnh Bình Thuận – nhưng tâm thư này lại ghi là Ninh Thuận). Cô bảo cô đã thấy rủi ro trong các công trình điện gió này, vì có thể cho phép TQ đặt các thiết bị radar quan sát và gây nguy hiểm an ninh, quốc phòng. Cô đã cố phản ứng mà không được và bị đuổi việc.
  3. PHẦN THỨ BA bài viết, cô mô tả lại và dẫn dắt các sự kiện nóng hổi gần đây ở Việt Nam, như nạn cá chết ở miền Trung, dân biểu tình và Formosa chịu bồi thường 500 triệu, nhà nước chấp nhận và với vài nghi án khuất tất liên quan đến nó. Cô cũng đề cập những rủi ro khôn lường nếu Formosa tiếp tục xả thải trong 70 năm tới. Cô nhắc đến hai vụ máy bay quốc phòng VN rơi ở biển miền Trung và các khuất tất liên quan đến nó. Cô liên tưởng đến các sự kiện khác, như phát ngôn vài vị tướng lãnh cảnh báo về TQ, hiện tượng người TQ tràn lan khắp VN. Cô nhắc đến việc Philippines thắng kiện TQ ở biển Đông và đặt câu hỏi tại sao lãnh đạo VN lại không làm như vậy.
  4. PHẦN THỨ TƯ là thông điệp của cô gởi đến anh lính quân đội và công an, cô bảo rằng lãnh đạo Đảng CSVN là người nội ứng tiếp tay cho giặc (TQ), rước Formosa vào nhà hủy hoai môi trường, điều hai máy bay ra làm mục tiệu cho hải quân TQ tập trận (cái này hài hước nhất). Cô nhắn nhủ các anh công an và bộ đội về tình trạng Tây Tạng hiện nay, khi người lính địa phương Tây Tạng giờ bị điều ra ngoài địa phương, bảo họ cũng sẽ bị như vậy sau này nếu VN sáp nhập TQ. Cô còn dọa rằng lúc đó cảnh sát người Hán sẽ được điều động thay cảnh sát VN và lái xe tăng cán người Việt y như sự kiện Thiên An Môn. Cô còn tiếp tục hù dọa công an và bộ đội rằng lính TQ sẽ thay họ đi cưỡng chế người Việt, rồi sau đó diệt chủng người Việt như họ đang làm với Tây Tạng. Rồi hù dọa tiếp rằng do chính sách một con nên lính TQ sẽ ùa vào VN hãm hiếp phụ nữ, con gái. Quá đáng sợ,

Cô nhắn nhủ công an và bộ đội VN là người cả dân tộc mong đợi, nên bảo vệ tổ quốc trước âm mưu cấu kết lãnh đạo VN để thôn tính VN của TQ và cô bảo sẽ bị sát hại sau bức thư này. Cuối cùng cô bảo sẽ bị sát hại sau khi công bố bức thư này, nhắn nhủ mọi người tiếp tục đứng lên giúp đất nước.

Nói chung admin đọc bài này vừa thấy tức cười, vừa thấy thú vị. Có thể thấy xuyên suốt trong bài viết là ma trận các ngụy biện nặc danh (anonymous authority), ngụy biện gây sợ (appeal to fear) và lồng ghép trong một kịch bản khá hoàn hảo của thuyết âm mưu. Chúng ta sẽ xem xét qua các luận điểm ngụy biện và đáng nghi ngờ của bài viết trước.

NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THẬT, ĐÁNG NGHI NGỜ CỦA BÀI VIẾT
  1. Thứ nhất là địa danh Tuy Phong của nhà máy điện gió Phú Lạc. Cô PHT bảo nó ở Ninh Thuận, trong khi nó ở Bình Thuận, một lỗi địa lý rất cơ bản. Không thể có nhầm lẫn này nếu như cô là người làm việc trực tiếp tại công trình đó, địa phương đó.
  2. Thứ hai là cô PHT bảo rằng lãnh đạo VN điều hai máy bay ra biển Đông cho hải quân TQ tập bắn. Một kịch bản giả tưởng tồi tệ và quá vụng về. Admin thiết nghĩ không ai lại ngu ngốc để làm điều thế cả
  3. Thứ ba, cô PHT nói rằng mình sẽ bị bắt và sát hại sau bức thư này. Điều này thảm thiết quá mức, vì các thông tin cô PHT nói đầy rẫy trên mạng, nhiều người bàn tán trực diện trên Facebook chứ không đến mức quốc gia đại sự gì mà cô phải bị sát hại khi nói ra như thế. Cách nói như thế chính là ngụy biện lợi dụng lòng thương hại (appeal to pity) mà thôi.

  4. NGỤY BIỆN NẶC DANH (anonymous authority https://goo.gl/A5vlfN, xem ví du 23 https://goo.gl/nxxtCS), là ngụy biện khi một ai đó trích dẫn nguồn thông tin mơ hồ hay lời nói của một người nặc danh (anonymous), vốn không thể kiểm chứng, không xác tín, để biện minh hay dẫn chứng cho luận điểm của anh/chị ta.

    Nhân vật PHT, tác giả bài viết không có hình ảnh thông tin gì đáng tin cậy để độc giả có thể tìm hiểu và xác tín. Tương tự các thông tin cô PHT kể về gia đình cô ở phần đầu là điều đa số độc giả bất khả kiếm chứng, cho nên không khả tín. Rồi câu chuyện trao đổi giữa cha cô và cô vẫn chỉ là lời kể miệng và cũng không đủ khả tin.

  5. NGỤY BIỆN GÂY SỢ (appeal to fear https://goo.gl//bOqADm), một biến thể của ngụy biện lý luận lươn trạch (argument from adverse consequences, xem ví dụ 26 https://goo.gl/GGXFtj). Ngụy biện này dùng nỗi sợ, thay vì nói về logic vấn đề, để đánh vào tâm lý độc giả, hay người đối thoại để họ cảm giác sợ sệt một sự việc/nhân vật trong vấn đề đang bàn để rồi từ đó chấp nhận ý kiến hay luận điểm sai trái của kẻ ngụy biện. Bài viết được cho là của cô PHT này đã hù dọa, làm sợ tất cả đối tượng mà cô hướng đến: người đọc và các anh công an/bộ đội. Như việc cô ta nhắc nhở công an và bộ đội VN sẽ bị điều ra khỏi Việt Nam, bảo họ rằng lãnh đạo VN điều hai máy bay ra làm bia ngắm cho quân TQ, việc lính TQ sẽ qua hãm hiếp tất cả phụ nữ Việt sau này … chính là các thủ pháp của “ngụy biện gây sợ” như vậy. Lưu ý là vài ngụy biện gây sợ rất phi logic, như việc bảo rằng hai máy bay bị điều ra biển Đông để làm bia đỡ đạn cho hải quân TQ tập luyện.

  6. NGỤY BIỆN LỢI DỤNG LÒNG THƯƠNG HAI (appeal to pity https://goo.gl/CHIIod, xem ví dụ 10 https://goo.gl/9EpGzs): lỗi ngụy biện khi thay vì đưa ra các nhận định logic về vấn đề đang bàn, kẻ ngụy biện dùng các từ ngữ mang tính cảm tính, gây cảm giác thương hại, động lòng trắc ẩn của người đối thoại/độc giả về sự vật có liên quan, từ đó đạt được mục tiêu đó là đẩy vấn đề tranh luận sai lệch như điều anh ta mong muốn. Việc cô PHT bảo cô sẽ bị sát hại sau bài viết này, hay như trong PHẦN MỘT của bài viết các tình huống trao đổi gia đình cô PHT, cũng là thủ pháp đánh vào tâm lý, gây động lòng trắc của người đọc. Chính cái câu chuyện kể gia đình, nhân thân và câu chuyện người cha của nhân vật PHT này là phần đánh vào tâm lý độc giả, dẫn dắt họ để họ tin vào các luận điểm sau đó, dù chúng hoàn toàn thiếu tính tin cậy, do thiếu tính bất khả kiểm chứng của thông tin đó.

TIN ĐỒN VÀ THUYẾT ÂM MƯU

Tóm lại, bài viết này là một kịch bản khá rùng rợn được xây dựng dựa trên thuyết âm mưu, lồng ghép vào các ngụy biện nặc danh, ngụy biện gây sợ và ngụy biện lợi dụng lòng thương hại. Nó làm cho người đọc nhẹ dạ khá bị thu hút, bị lung lạc và dẫn đến lượng share bài viết này khá lớn.

.

Rõ ràng đây là một bài viết không đáng tin cậy, và cá nhân admin cho rằng đây là do một nhóm chính trị tung ra để gây rối người trong nước. Việc nhầm lẫn địa lý cơ bản, trong đó bảo Tuy Phong là huyện trực thuộc Ninh Thuận (trong khi nó thuộc Bình Thuận) là tiền để để admin cho rằng nhóm này ở hải ngoại.

.

Thuyết âm mưu (conspiracy theory) hay thuyết ngờ vực

(trích https://goo.gl/3DOqgv) là cách lý giải những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội theo hướng gán cho chúng những âm mưu bí mật của các thế lực ngầm đứng đằng sau. Một giả thuyết âm mưu là một giả thuyết mang tính giải thích theo đó buộc tội một nhóm người hay một tổ chức gây nên hay đứng đằng sau một sự kiện hoặc một hiện tượng gây ảnh hưởng lớn kinh tế chính trị xã hội (hết trích).

Trong xã hội thường có các sự việc nóng hổi xảy ra, nhưng không có lời giải đáp rõ ràng nguyên nhân của nó. Thuyết âm mưu chính là sự sắp đặt một kịch bản tưởng tượng sao cho vừa khớp với các sự việc đã xảy ra và thường có tính giật gân, ly kỳ hoặc gây sợ. Trong bài viết của PHT, thuyết âm mưu đã được sử dụng khá tốt khi tác giả dựng nên một kịch bản tưởng tượng dựa trên các biến động như vụ cá chết ở miền Trung, sự kiện 2 máy bay bị rơi tại biển Đông, Formosa chấp nhận lời buộc tội là nguyên nhân gây cá chết, tòa tuyên án Philippines thắng kiện…

.

Tin đồn và thuyết âm mưu luôn đi kèm với nhau và là một trong các biện pháp hay gặp để lung lạc tinh thần người Việt, một phần do sự thiếu thông tin, thói quen ngồi lê đôi mach tai hại của nhiều người Việt chúng ta. Nó còn được tiếp tay cũng bởi vì khả năng tự chủ, tự phân tích độc lập của phần đông người Việt còn chưa tốt. Người Việt thường có câu cửa miệng “không có lửa làm sao có khói” và lấy nó làm cơ sở để tin vào tất cả những lời nói, tìn đồn mà mình nghe được. Thói quen tư duy lối mòn đó rất dễ bị lợi dụng, để làm công cụ truyền tin và gây hoang mang người bên cạnh, người được truyền tin và có thể cho xã hội.

.

Những bài viết tung tin đồn, trộn lẫn thật giả theo thuyết âm mưu như bức tâm thư của cô PHT này sẽ không chỉ xuất hiện một lần mà sẽ còn xuất hiện sau này, với sự tinh vi hơn, che dấu thật, giả tốt hơn. Nên admin mong các độc giả không ngừng nâng cao khả năng phân tích thông tin độc lập, khách quan và tự chủ, để không bị ai hù dọa mình bởi các thông tin truyền miệng bá vơ, từ trên trời rơi xuống (theo kiểu ngụy biện nặc danh - appeal to anonymous) như thế. Tâm lý của bạn, bao gồm nỗi sợ hãi vô lý, phi logic của các bạn, có thể sẽ là một miếng mồi ngon để kẻ các ngụy biện lợi dụng bằng ngụy biện gây sợ(appeal to fear) luôn. Do đó kiến thức ngụy biện – fallacy một lần nữa sẽ giúp chúng ta tự chủ và tỉnh táo trong mọi tình huống, các bạn nhé.

.

P/s: 1- Hình của status là phác thảo logo page Ngụy biện – Fallacy do bạn @Chau Tran tặng admin và page. Ý tưởng phác thảo: người ta hay dùng fallacy để lôi kéo hay điều khiển suy nghĩ người khác. Page Ngụy biện – Fallacy là để ngăn chặn những người như thế làm điều xấu. Ký hiệu X màu đen nghĩa là ngăn chặn kẻ ngụy biện đang thao tác với con chữ fallacy của họ.

2- Mục lục toàn bộ bài viết trên page Ngụy biện – Fallacy

https://goo.gl/G2SThz

results matching ""

    No results matching ""