CÁC CÁCH ỨNG ĐỐI TỔNG QUAN KHI GẶP NGỤY BIỆN

Trong bài viết đầu tiên của album “Ngụy biện – fallacy: cách ứng đối”, admin đã phân tích các yếu tố ảnh hưởng và cần xem xét khi gặp một người ngụy biện với bạn, chẳng hạn như cần xem xét đối tượng là ai, ngụy biện anh/chị ta phạm phải có nghiêm trọng không, trong ngữ cảnh nào, hay bạn có thời gian dành cho phản biện anh/chị ta không (http://goo.gl/cQbK3f). Chính việc phân tích các nhân tố trên sẽ quyết định cách hành xử tương ứng của bạn cho người ngụy biện đó.

.

Bài viết này sẽ kế tiếp bài trước, bàn về gợi ý các cách ứng đối một cách tổng quan nên dùng khi gặp ngụy biện sau khi đã xem xét các thông tin và ngữ cảnh ngụy biện mà bạn gặp. Đây chỉ bàn về các cách ứng đối tổng quan, còn ứng đối cho từng loại ngụy biện riêng rẽ, cụ thể sẽ được trình bày và tổng hợp trong các bài viết sau của album.

.

Admin xin gợi ý bốn cách ứng đối cho bạn đọc khi bạn gặp người ngụy biện như sau.

CÁCH 1: TRỰC TIẾP BẮT LỖI NGỤY BIỆN

Một cách ứng xử đầu tiên có thể sử dụng: bạn bảo người ngụy biện rằng lời anh ta nói thiếu tính thuyết phục và chỉ ra loại ngụy biện anh ta mắc phải, ví dụ bảo lời anh ta nói phạm ngụy biện tấn công cá nhân, phạm ngụy biện cá trích … một cách trực tiếp.

.

Cách làm này đòi hỏi bạn phải nắm vững kiến thức ngụy biện – fallacy và đủ kiến thức để nhận ra đúng loại ngụy biện mà người đối thoại mắc phải. Nó có thể được dùng trong trường hợp bạn tương đối có thời gian, và đặc biệt là rất thích hợp dùng để phản biện các bài viết, bài báo nào đó. Đây cũng là cách mà admin hay sử dụng để phân tích ngụy biện các bài viết có vấn đề lập luận trong album “Các phân tích ngụy biện tổng hợp” https://goo.gl/N0quXv

.

Tuy nhiên trong một vài trường hợp cách ứng xử này sẽ có một vài bất cập mà bạn cần lưu ý để tránh. Đó là nếu chỉ chăm chăm bắt lỗi ngụy biện, việc trao đổi có thể sẽ bị ngắt khúc và dần dần đi xa khỏi chủ đề đang bàn. Bản thân từ “ngụy biện” trong ngữ cảnh tiếng Việt phần nào đó có ý nghĩa nặng nề hơn so với ý nghĩa của từ “fallacy” gốc ban đầu, nên chúng ta cần cẩn thận khi bảo ai phạm ngụy biện. Vì nếu ta bắt lỗi ngụy biện sai thì ngược lại chính chúng ta đã phạm ngụy biện, do đã phần nào hạ thấp, ad hominem người đối thoại. . Lưu ý, nếu dùng cách này, rất có thể người đối thoại với bạn không biết kiến thức về ngụy biện – fallacy trước đó, vì vậy các bạn nên chèn thêm các link giới thiệu về ngụy biện để giới thiệu cho anh ta hiểu rõ thêm về nó (các bạn có thể tham khảo lại từng ví dụ có link cụ thể trong album “Các ví dụ ngụy biện” nhé https://goo.gl/2aNvyH)

CÁCH 2: DỰA VÀO LOẠI NGỤY BIỆN MÀ NGƯỜI ĐỐI THOẠI PHẠM PHẢI, BÁC BỎ TÍNH PHI LOGIC CỦA LUẬN ĐIỂM ẤY

Việc bảo ai phạm lỗi ngụy biện nào đó đôi khi không khả thi, chẳng hạn như nếu đối tượng đang trao đổi không chia sẻ chung một vùng kiến thức về ngụy biện với các bạn. Các từ ngữ chuyên môn như “ngụy biện cá trích”, “ngụy biện trắng đen” … hơi mang tính hàn lâm, gây khó khăn cho người nghe nếu họ chưa biết đến nó. Nên có một cách ứng xử khác, khi đã hiểu loại ngụy biện mà đối phương mắc phải, chúng ta có thể dùng cách ứng đối cho loại ngụy biện ấy để chỉ ra điểm không hợp lý, sai trong lời nói của họ.

.

Ví dụ, thay vì nói ai đó phạm ngụy biện cá trích, ta có thể nói anh/chị ta đang đẩy vấn đề sang một hướng khác không liên quan chủ đề đang bàn. Thay vì nói ai đó đang phạm ngụy biện trắng đen, ta nói họ đã giới hạn lựa chọn không hợp lý, có nhiều hơn hai lựa chọn trong trường hợp đó.

.

Để làm được cách này thì đòi hỏi các bạn ngoài việc am tường các loại ngụy biện, còn nắm bắt cách ứng phó từng loại ngụy biện ấy. Thật ra chỉ là dựa vào cái phi logic của loại ngụy biện để ứng phó mà thôi. Cách hai này có thể dùng kèm với cách một ở trên và sự kết hợp đó nhiều khi sẽ có hiệu quả tốt. Cách ứng đối ngụy biện này cũng thích hợp trong các đối thoại dạng nói chuyện, trong công sở và trao đổi đối tác làm ăn. Riêng admin sẽ hỗ trợ các bạn thêm bằng các bài viết cách ứng đối cho từng loại ngụy biện, sẽ được cập nhật ở album này trong các bài viết kế tiếp.

CÁCH 3: GỢI MỞ, CHỈNH SỬA NGỤY BIỆN MỘT CÁCH LỊCH SỰ

Trong một vài trường hợp đối thoại bạn bè thân tình, hoặc ngữ cảnh trao đổi vui, hoặc mình biết rõ người ngụy biện là vô tình chớ không cố ý, chúng ta có thể ứng đổi bằng cách gợi mở cho họ biết cách nói của họ là không hợp lý.

Ví dụ: bạn mình bảo nước nào mà không có tham nhũng, lo gì (ngụy biện hai sai thành đúng). Mình nhẹ nhàng nói: ý, cách nói này hông ổn, hình như là lấy cái sai này để biện hộ cái sai khác nè .

.

Cách ứng đối thứ ba này gần giống cách hai ở trên, nhưng nhẹ nhàng hơn và không quá chú trọng phân rõ đúng/sai với người trao đổi. Nó chỉ gợi mở lối suy nghĩ, lập luận cho đúng logic cho người đối thoại mà thôi. Cách thức này rất thích hợp trong trường hợp bạn không có nhiều thời gian cho việc trao đổi đó, hoặc giả ngữ cảnh trao đổi vui vẻ, thân tình với nhau.

CÁCH 4: IM LẶNG VÀ DỪNG TRANH LUẬN (ngụy biện nghiêm trọng)

Trong thực tế cuộc sống, ta sẽ gặp những người dùng ngụy biện rất nghiêm trọng và bất lịch sự, thậm chí cách nói vô học, tấn công cá nhân chúng ta. Hay trong không gian mạng cũng có một đội ngũ dư luận viên, được trả tiền để vào các post, status bàn về vấn đề nóng hổi đất nước để comment gây xao nhãng chủ đề, gây sự người này người kia, chửi rủa để làm mọi người phân tâm, mất bình tĩnh. Dĩ nhiên đối phó với những người như vậy tốt nhất là nhắc nhở rằng họ đang tấn công cá nhân, sau đó nếu họ tái phạm thì ta im lặng và dừng tranh luận. Im lặng đôi khi là một cách trả lời hay, các bạn nhé.

.

Admin không khuyến khích các bạn dùng cách chửi rủa, hạ thấp ngược lại khi gặp ai đó tấn công cá nhân mình, vì ta không làm với ai những điều gì mà mình không thích họ làm cho mình. Nếu họ quá đáng, có thể dùng nút block, hì hì. Thật ra ai đó tấn công cá nhân, chứng tỏ họ đuối lý và chỉ còn nước dùng cách thấp kém nhất, là hạ nhục người khác bằng các từ ngữ hạ cấp không liên quan vấn đề tranh luận, để giành phần lợi cho họ mà thôi.

TRÊN CẢ THẮNG THUA CỦA MỘT CUỘC TRANH LUẬN

Bốn cách hành xử khi gặp người ngụy biện mà admin liệt kê ở trên chỉ là các gợi ý tổng quan mà độc giả có thể xem xét và áp dụng cho mình, trong các trường hợp và ngữ cảnh cụ thể mà bạn gặp trong thực tế cuộc sống. Ngữ cảnh nào, đối tượng nào, áp dụng cách ứng đối nào là lựa chọn của mỗi độc giả, và tùy thuộc vào phân tích, đánh giá các nhân tố cần xem xét khác nhau (loại ngụy biện, đối tượng ngụy biện là ai, mục tiêu của cuộc tranh luận, thời gian bạn dành cho nó là bao lâu ...) mà chúng ta đã bàn trong bài viết trước (http://goo.gl/cQbK3f).

.

Admin xin lưu ý một điều rằng, tuy bài viết bàn về cách ứng đối tổng quan khi gặp ngụy biện, nhưng mục đích chúng ta không phải dùng các cách ứng đối này để giành phần thắng trong các cuộc tranh luận. Tranh luận thật ra là để làm rõ vấn đề, cùng trao đổi quan điểm để hai người có nhìn nhận khác nhau hiểu rõ góc nhìn của nhau hơn, họ cùng giúp nhau hiểu rõ vấn đề hơn và sau cùng là tôn trọng sự khác biệt nếu thấy cả hai góc nhìn tuy khác nhau, nhưng đều có lý của nó. Đối với admin, thắng thua trong tranh luận thật ra không có ý nghĩa bằng những gì đọng lại đằng sau cuộc tranh luận đó. Khoảng lặng sau tranh luận cũng là một điều cần thiết, để hai người trao đổi có thời gian nhìn kỹ vấn đề hơn, và bổ sung các thông tin, góc nhìn mới về vấn đề đang bàn. Cho nên các cách ứng đối mà chúng ta bàn ở trên thật ra chỉ là một cách dùng tư duy tranh luận sao cho thật logic, không ngụy biện để bảo vệ quan điểm của bạn, và chỉ ra cái sai trong lý luận của người trao đổi nếu có mà thôi.

.

Trong một góc nhìn dài hạn, điều lớn hơn cả thắng thua trong các cuộc tranh luận là vấn đề nâng cao dân trí và văn hóa tranh luận người Việt. Tại sao có quá nhiều người Việt ngụy biện một cách vô thức, thành thói quen và phản xạ tư duy của họ. Liệu người ngụy biện với bạn có một lần nữa ngụy biện với người khác hay không? Liệu những tên bồi bút nào đó bị bạn vạch mặt, anh ta không lừa được bạn nhưng sẽ còn lừa được nhiều người khác cả tin ngây thơ không?

.

Cho nên làm sao có thể giúp cho số đông người Việt, những người bên cạnh chúng ta hiểu rõ về kiến thức ngụy biện – fallacy, và nâng cao tính logic khi trình bày các luận điểm khi trao đổi với nhau là vấn đề rất quan trọng, cần thiết và mang tính vĩ mô. Admin nghĩ mình và các độc giả có thể cùng làm với nhau, trong khả năng bản thân chúng ta, trên con đường dài để nâng văn hóa tranh luận người Việt lên cao hơn, các bạn nhé.

.

Cuối cùng, bài viết này chỉ bàn về các cách ứng đối tổng quan khi gặp ngụy biện. Cách ứng đối cho từng loại ngụy biện riêng rẽ, cụ thể sẽ được tổng hợp trong bài viết: CÁC CÁCH ỨNG ĐỐI CHO TỪNG LOẠI NGỤY BIỆN cũng như trong các bài viết kế tiếp của album. Mời các bạn đón xem.

P/s: Mục lục toàn bộ bài viết trên page Ngụy biện – Fallacy https://goo.gl/G2SThz

results matching ""

    No results matching ""