TIN TẶC TẤN CÔNG SÂN BAY VÀ NGỤY BIỆN MƠN TRỚN ĐÁM ĐÔNG CỦA HOÀNG MINH TRÍ
Vừa qua, tin tặc đã tấn công và hệ thống máy tính của hãng hàng không Việt Nam tại hai sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, ghi những thông điệp chê bai VN-Philippines liên quan biển Đông trên bảng điện tử. Do sự cố này, tất cả dịch vụ phải chuyển qua làm bằng tay, hành khách và hàng trăm chuyến bay bị ảnh hưởng nặng nề trongngày hôm đó (http://goo.gl/MM4V7g).
Sự việc này là một sự cố nghiêm trọng, cả về khía cạnh an ninh hàng không lẫn bộ mặt quốc gia. Tuy nhiên nó đã được mô tả và viết lại bởi tay bút Hoàng Minh Trí trên mục “Góc nhìn” báo VnExpress, với tựa đề “Điều kỳ diệu sau cuộc tấn công” http://goo.gl/3kt7hF, thành một sự việc mang tính cách lạc quan, đầy cảm xúc một cách đầy khôi hài. Admin sẽ phân tích các thủ thuật ngụy biện trong bài viết này của Hoàng Minh Trí và diễn giải tại sao các cách viết này được nhiều người ngây thơ và tung hô như thế. Độc giả cần xem kỹ bài viết trên VnEpxress trước khi đọc phần tiếp theo nhé.
.
1-Các đoạn đầu tiên trong bài viết của Hoàng Minh Trí khá dài, trong đó tác giả nói về cảnh nhốn nháo nhưng trật tự tại sân bay trong ngày xảy ra sự cố. Thật ra thì sự trật tự ấy là điều khá logic. Hành khách của các chuyến bay hôm ấy, trước sự cố tin tặc từ trên trời rơi xuống đó, không thể làm gì hơn là phải chờ đợi làm xong thủ tục bay. Rất may là tin tặc chỉ đánh cắp dữ liệu hệ thống thông tin, hiển thị thông báo hạ nhục Việt-Phi mà không thể đi sâu hơn vào an ninh điều khiển các chuyến bay. Do đó hành khách chờ đợi cho đến khi được bay là vô cùng bình thường. Họ đã đem hành lý, có mặt tại sân bay chờ bay, thì còn có thể làm gì được nữa ngoài chờ đợi?
Các đoạn sau của bài viết mới là điều đáng nói.
.
2
(trích) Nhưng hôm qua, trước một cuộc tấn công, tôi chỉ nhìn thấy hình ảnh của một DÂN TỘC ĐOÀN KẾT. Một hành vi phá hoại, vốn chủ đích tạo ra sự hỗn loạn, lại đẩy mọi người xích gần lại với nhau. Chính hành vi của những kẻ tấn công khiến cho người Việt bộc lộ những đức tính tốt đẹp của mình: sự đoàn kết; sự sẻ chia. (hết trích)
--> NGỤY BIỆN KHÁI QUÁT HÓA VỘI VÃ (hasty generalization https://goo.gl/BMpBeC, xem ví dụ 25 https://goo.gl/sSLlmh): ngụy biện khi ai đó chỉ dùng một vài trường hợp ngoại lệ, không phổ quát để từ đó tổng quát hóa cho đám đông. Trong trường hợp này, Hoàng Minh Trí chỉ từ quan sát đám đông hành khách bắt buộc phải cam chịu chờ đợi làm thủ tục bay tại sân bay do sự cố tin tặc (nhắc lại - họ không còn giải pháp nào khác tốt hơn), nhân rộng nó ra thành hình ảnh của “một dân tộc đoàn kết”, là một sự khái quát hóa vô cùng khiên cưỡng, vội vã và không hề có tính logic tí nào trong đó cả.
Đoạn
(trích) Chính hành vi của những kẻ tấn công khiến cho NGƯỜI VIỆT bộc lộ những đức tính tốt đẹp của mình: sự đoàn kết; sự sẻ chia (hết trích)
trong đó dùng hai từ “người Việt” rất kín đáo, cũng chính là ngụy biện “khái quát hóa vội vã” mà thôi. Tại sao có hai từ “người Việt” trong câu nói trên, đúng ra phải thay bằng hai từ “hành khách” chứ. Lưu ý đám đông hành khách hôm ấy không chỉ có người Việt, mà gồm cả người nước ngoài tham gia các chuyến bay nội địa nữa. Nên bảo “tinh thần người Việt” trong đó là vừa khái quát sai và vừa khập khiễng.
.
3
(trích) Và tôi tin rằng những điều tôi đã chứng kiến ở Tân Sơn Nhất hôm qua không phải là cá biệt, bởi tôi đã nhìn thấy tinh thần ấy hơn một lần. Tôi biết, chứ không phải tin, rằng tinh thần dân tộc của chúng ta chưa bao giờ phai nhạt (hết trích)
--> NGỤY BIỆN LỢI DỤNG CẢM XÚC (appeal to emotion http://goo.gl/T8Nkh6, xem ví dụ 11 https://goo.gl/VxDtmO), loại ngụy biện trong đó thay vì dùng các yếu tố logic để thuyết phục người đối thoại/độc giả về vấn đề đang bàn, kẻ ngụy biện sẽ dùng các câu chữ mang cảm tính cao, hay gắn một giá trị đạo đức vào một đề nghị hay một câu phát biểu nhằm đánh vào tâm lý, cảm xúc của người đối thoại, để từ đó, họ chấp nhận luận điểm (thiếu tính logic) của kẻ ngụy biện.
Ở đây Hoàng Minh Trí đã từ khái quát hóa vội vã đám đông hành khách (vốn đa quốc tịch chứ không chỉ đơn thuần người Việt) phải cam chịu chờ bay tại sân bay, thành đặc trưng cho tinh thần người Việt, chính là thủ pháp đánh vào tâm lý độc giả bằng các từ ngữ cảm tính, đạo đức có vẻ cao sang, mùi mẫn mà thôi.
.
4
(trích) Những kẻ tấn công chiều qua đã tắt đi được những màn hình điện tử vô tri ở sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng vô tình, lại bật lên ý chí đoàn kết của những con người Việt Nam. Đó là một cuộc tấn công thất bại (hết trích)
--> NGỤY BIỆN KẾT LUẬN ẨU (jumping to conclusions https://goo.gl/R77WVl , xem ví dụ 9 https://goo.gl/U6L5Pa). Không thể nói cuộc tấn công của tin tặc ẩn danh là thất bại. Ngược lại nó đã được mục đích: cướp đoạt màn hình thông báo của hai sân bay quốc tế, ăn cắp dữ liệu khách hàng và đưa ra thông điệp làm nhục quốc gia ngay tại hai cửa khẩu hàng không quan trọng nhất nước này. Sự lên gân về tinh thần dân tộc của Hoàng Minh Trí chỉ là biện pháp ngụy biện đánh vào tâm lý độc giả, nhưng nó không có tí logic nào, thậm chí khôi hài khi được dùng để kết luận rằng cuộc tấn công của bọn hacker là thất bại cả. Đáng lý ra, nếu là một tay viết đứng đắn, thì tác giả Hoàng Minh Trí phải dũng cảm thừa nhận sự yếu kém của hệ thống thông tin hàng không Việt Nam, thừa nhận bọn hacker đã tấn công thành công lần này, gây được tiếng vang lớn do sự yếu kém ấy.
--> NGỤY BIỆN LỢI DỤNG CẢM XÚC (appeal to emotion): lại nói về ý chí đoàn kết người Việt, được suy ra từ đám đông đa quốc tịch phải cam chịu chờ bay. Những ngôn từ như “nổi bật lên ý chí đoàn kết người Việt” đầy xúc cảm nhưng hoàn toàn phi logic trong ngữ cảnh câu chuyện.
.
5
(trích) Và đám đông tôi nhìn thấy, cho dù rất trật tự và nhẫn nại, lại cho thấy sẽ thật bất hạnh cho bất kỳ kẻ nào lăm le tấn công dân tộc này (hết trích)
--> NGỤY BIỆN LỢI DỤNG CẢM XÚC (appeal to emotion), một lần nữa lại được sử dụng để dụ dỗ, mê hoặc độc giả. Lưu ý rằng không có bất kỳ liên hệ logic nào để chúng ta có thể lên gân về tinh thần dân tộc trong sự cố tin tặc hàng không này cả. Nguyên toàn bộ sự việc nếu có chỉ là sự xẩu hổ vì an ninh thông tin hàng không thất bại, làm mất mặt bộ mặt quốc gia tại hai cửa khẩu hàng không quan trọng nhất mà thôi.
.
Và NGỤY BIỆN LẢNG TRÁNH CHỦ ĐỀ (avoiding the issue https://goo.gl/6KDa8o, xem ví dụ 28 https://goo.gl/lGrK2G): ngụy biện trong đó kẻ ngụy biện sẽ đi vòng vèo các vấn đề xung quanh, mà không đi vào các ý chính của vấn đề đang bàn. Nhắc lại một lần nữa rằng, thật ra thái độ bắt buộc phải cam chịu và chờ cho đến khi thủ tục máy bay xong để bay của các hành khách ngày hôm đó là dễ hiểu và rất logic. Hành khách không thể có lựa chọn khác khả dĩ tốt hơn. Cái chính yếu trong toàn bộ sự việc nghiêm trọng về an ninh hàng không này – là sự đáng chê trách của hệ thống thông tin hàng không Việt Nam, khi họ đã để cho nhóm hacker không rõ nguồn gốc tấn công vào đó, đưa ra các thông điệp không hay ho gì. Sự việc xảy ra ngay tại hai cửa khẩu sân bay quốc tế, trước sự chứng kiến của hàng ngàn du khách trong và ngoài nước làm ảnh hưởng bộ mặt quốc gia. Sau cuộc tấn công của hacker, Hoàng Minh Trí hướng chú ý độc giả vào sự việc “thái độ đám đông hành khách”, mà thật ra là đa quốc tịch không chỉ người Việt này, khái quát hóa nó tầm phào thành “tính cách dân tộc người Việt”, mơn trớn đám đông độc giả bằng các từ ngữ cảm tính về một tinh thần dân tộc đoàn kết, mạnh mẽ - cũng chính là thủ pháp lảng tránh chủ đề chính: sự tệ hại đáng lên án của hệ thống an ninh hàng không Việt Nam hôm đó mà thôi.
CHỦ NGHĨA DÂN TỘC – MỘT CON DAO HAI LƯỠI
Vì sao bài viết của Hoàng Minh Trí được nhiều người ưa thích. Một phần bởi vì nó đánh vào cảm xúc độc giả, mơn trớn độc giả một cách phi logic từ câu chuyện hành khách sân bay, về tinh thần dân tộc người Việt. Nào là dân tộc đoàn kết, nào là dân tộc ta sẻ chia, nào là dân tộc ta sẽ đánh bại mọi cuộc tấn công của kẻ thù (ai là kẻ thù, trong hay ngoài?). Nhiều người dù biết nó phi logic, cũng ậm ừ đồng ý vì nó gợi mở cái gọi là tinh thần dân tộc, đoàn kết và sẻ chia ấy.
.
Lưu ý rằng chủ nghĩa dân tộc là một vùng kiến thức đã được nhiều nhà nghiên cứu xã hội, lịch sử và văn hóa tìm hiểu trong một thời gian dài. Tinh thần dân tộc nôm na là sự ưa thích, đặt các yếu tố dân tộc tính lên cao trong sự tương quan với các đặc tính/ yếu tố khác, như yếu tố đạo đức, tính pháp lý, sự logic và tính nhân văn … của câu chuyện/vấn đề đang bàn. Nghiên cứu dân tộc tính của đám đông đó là tuyệt chiêu mà các nhà chức trách, chính trị gia hay làm để từ đó tìm các phương thức quản lý, lợi dụng, thậm chí sai khiến đám đông. Nó cũng là chiêu thức của các doanh nghiệp để tung ra cách thức quảng bá sản phẩm có hiệu quả. Do đó, chủ nghĩa dân tộc là một con dao hai lưỡi, có ích và cả có hại. Trong lịch sử nhân loại, kích động tinh thần dân tộc của đám đông u mê, thiếu thông tin là tuyệt chiêu mà các chính quyền độc tài hay dùng, để sử dụng nhân dân, đám đông như là một công cụ say máu, sẵn sàng hy sinh vì những mỹ từ cao đẹp, để cuối cùng kẻ hưởng lợi là bọn cầm quyền mà thôi. Nước Đức thời Hitler chính là một ví dụ đặc trưng, khi cả hầu như cả xã hội Đức đã bị Hitler lừa dối bằng những mỹ từ cao đẹp, tham gia vào một cuộc chiến để giành lấy phần lợi cho nước Đức, từ đó làm hàng triệu người trên thế giới thiệt mạng, trong đó có hàng trăm ngàn người Đức.
.
Hay như năm 2012, học giả Nhật Murakami, tác giả của cuốn tiểu thuyết Rừng Na Uy nổi tiếng, đã từng chê trách các nhà chức trách Trung Quốc đã sử dụng chủ nghĩa dân tộc như một thứ rượu rẻ tiền để kích động dân Trung Quốc trong vấn đề biển Hoa Đông. Cụ thể ông đã bảo rằng:
(trích http://goo.gl/oEWD7W) Trong chủ nghĩa dân tộc có những chất men khiến người ta say như uống phải một thứ rượu rẻ tiền. Chỉ uống một ly nhỏ, máu đã dồn hết lên mặt, mọi tiếng nói bị kích động to hơn mức cần thiết và sau đó bạo lực sẽ xâm chiếm hành động. Hậu quả là sau ánh bình minh, chỉ còn lại những cơn nhức nhối trong đầu bạn (hết trích).
Ông nhấn mạnh:
(trích) công việc của những chính trị gia cũng tương tự như người pha chế rượu cho công chúng, họ có thể kích hoạt lòng yêu nước hoặc nhấn chìm dân tộc bằng thứ rượu rẻ tiền đó. (hết trích)
Qua bài viết này, ngoài kiến thức về ngụy biện – fallacy, admin xin giới thiệu và mong muốn các độc giả page tìm hiểu về vùng kiến thức “chủ nghĩa dân tộc”, để từ đó giữ mình bình tĩnh, không bị kẻ xấu nào lợi dụng, kích thích ta, mơn trớn ta về những mỹ từ nhân danh “tinh thần dân tộc”, như bài viết này của Hoàng Minh Trí, các bạn nhé.
P/s: 1- Đã có Facebooker đặt vấn đề nghi vấn tác giả Hoàng Minh Trí không có mặt trên chuyến bay tại sân bay Tân Sơn Nhất hôm đó mà chỉ tưởng tượng kịch bản và viết bài mà thôi. Xem thêm chẳng hạn tại đây: https://goo.gl/Kz0HEb
2- Mục lục toàn bộ bài viết trên page Ngụy biện - Fallacy