Ngụy biện lợi dụng nặc danh (anonymous authority)
Về sự kiện BPhone, báo Phụ nữ online từng đăng một bài viết có đoạn:
(trích http://goo.gl/HLAOSR) Một người Việt kể với anh bạn người Nhật chuyện mấy hôm nay xôn xao việc ông Nguyễn Tử Quảng cho ra “siêu phẩm” điện thoại thông minh mang tên Bphone... Bất ngờ, vị khách Nhật hỏi: “Thế anh đã mua Bphone chưa? Anh sẽ mua chứ? Anh phải bảo thêm những người Việt mà anh quen mua đi, nếu không ông Quảng sẽ nguy” (hết trích)
Toàn bộ đoạn văn trên đã dùng ngụy biện lợi dụng nặc danh (anonymous authority https://goo.gl/A5vlfN): ngụy biện khi một ai đó trích dẫn nguồn thông tin mơ hồ hay lời nói của một người nặc danh (anonymous), vốn không thể kiểm chứng, không xác tín, để biện minh hay dẫn chứng cho luận điểm của anh ta. Trong ví dụ trên, người Nhật đó là người nào? Liệu có khả năng người viết bài này bịa ra câu chuyện đó, hoặc trích dẫn lại từ một câu chuyện không có thật hay không?
Ngụy biện lợi dụng nặc danh (anonymous authority) được dùng khá thông dụng trong báo chí và đời sống. Chúng ta thường hay gặp nó ở dạng các từ như "nghe nói là", "nghe đồn", "vài đồng nghiệp của tôi bảo rằng", "theo một số thông tin", "một số nhà khoa học cho rằng", hoặc các bài viết không để link gốc để chứng minh các luận điểm quan trọng. Ngoài đời thì thói quen ngồi lê đôi mách, rỉ tai nhau, bàn chuyện trên trời dưới đất trên bàn nhậu, ngoài quán cafe mà không kiểm chứng nguồn, không tự xác tín nó, rồi lại nhẹ dạ và cả tin truyền đi một cách vô tội vạ của nhiều người Việt biến ngụy biện lợi dụng nặc danh này thành một lỗi tư duy khá thông dụng.
Các tay bút lão luyện, dư luận viên hay dùng loại ngụy biện này (thậm chí tồi tệ hơn đôi khi họ còn ngụy tạo bằng chứng không thật) để dẫn dắt độc giả tin vào những thông tin không khả chứng, để từ đó tin vào những luận điểm sai lệch, không đáng tin cậy của họ.
Kinh nghiệm rút ra: nếu bạn là người đọc thì luôn cẩn thận khi tiếp cận bất kỳ thông tin nào không có nguồn, trên mạng và ngoài xã hội. Nếu bài viết, luận điểm nào mà bất khả tín, tin không có nguồn gốc thì gạch bỏ ngay, không tin vào nó. Nếu bạn là người viết hay người truyền tin thì trách nhiệm này sẽ lớn hơn nữa: phải kiểm chứng các thông tin ấy một cách có trách nhiệm, nguồn tin đó đến từ đâu, sách nào, trang mấy, địa chỉ web là gì ... trước khi viết ra, hay truyền tin đi.
Nói chung là không nhẹ dạ, cả tin và phải đặt câu hỏi cho bất kỳ nguồn tin nào mà không có link, nguồn tin cậy, các bạn nhé.