Ngụy biện thống kê (statistical fallacy)

Trong chương trình 60 phút mở của VTV với MC Phan Anh (nguồn: https://goo.gl/T7CtfC), phút 10'55'', vị khách mời Nguyễn Thái Sơn đến từ công ty Buzzmetrics đã đưa ra một nhận định:

(trích) Một thông tin tiêu cực sẽ có cơ hội được chia sẻ gấp bốn lần thông tin tích cực (hết trích).

Câu nói này của Nguyễn Thái Sơn có rất nhiều khả năng đã phạm một ngụy biện có tên "ngụy biện thống kê (statistical fallacy https://goo.gl/gzuzR9). Đây là tên gọi chung cho việc người ngụy biện lợi dụng các con số, thông tin thống kê sai hoặc không đáng tin cậy để đánh vào tâm lý độc giả và làm bàn đạp để từ đó dành phần lợi cho luận điểm của họ. Các kiểu phạm ngụy biện thống kê này khá đa dạng, như kẻ ngụy biện nêu ra một thống kê không rõ nguồn gốc, hoặc một thống kê không có độ tin cậy do chưa được công bố và kiểm chứng về mặt khoa học, hoặc kẻ ngụy biện diễn đạt, bóp méo một kết quả thống kê có trước một cách lệch lạc, có lợi cho anh ta, hoặc thậm chí anh ta bịa ra các con số thống kê đó...

Trong ví dụ này, có khá nhiều lý do để chúng ta có thể nghi ngờ tính chân trị trong lời nói trên của Nguyễn Thái Sơn.

  • Thứ nhất là chúng ta không thấy bất kỳ công bố khoa học nào tin cậy mà có con số như lời NTS nói.

  • Thứ hai, có những công bố khoa học từ các nghiên cứu đàng hoàng trên thế giới thậm chí cho thấy kết quả hoàn toàn trái ngược lời NTS. Như một công bố năm 2013 của nhà khoa học Jonah Berger tại trường đại học University of Pennsylvania bảo rằng thông tin tốt - good news lan truyền nhanh và xa hơn thông tin xấu bad news (http://goo.gl/KXDsmc). Hay như một công bố khác năm 2014 của các nhà khoa học tại trường University of Chicago (nguồn: https://goo.gl/jPospV) cho thấy tâm trạng tích cực (positive emotions) sẽ được lan truyền nhanh hơn tâm trạng tiêu cực (negative emotion).

  • Thứ ba, bởi vì NTS chỉ nói miệng, suy nghĩ kỹ hơn chúng ta sẽ thấy có rất nhiều điều cần trao đổi và xem kỹ về kết quả ấy. Thế nào là thông tin tiêu cực, thế nào là tích cực trong nghiên cứu thống kê của công ty NTS, hay các nghiên cứu thực hiện ra sao, khi nào, tần suất thống kê, lấy mẫu thế nào, phương pháp thống kê gì? Một cô diễn viên post một ảnh đẹp, lập tức được hàng nghìn like và chia sẻ - thông tin đó được xếp loại tiêu cực hay tích cực trong nghiên cứu đó? Hay các post nói về chính trị, của các hot Facebooker đôi khi may mắn lắm cũng chỉ được vài trăm share, thông tin đó là được xếp loại tích cực hay tiêu cực? ... Nói chung rất nhiều vấn đề cần quan tâm và mổ xẻ về kết quả thống kê mà NTS đưa ra, nếu thật sự có một nghiên cứu như vậy trong công ty anh ta.

Tâm lý chúng ta luôn có khuynh hướng bị thuyết phục bởi con số thống kê, vì chúng ta hay nghĩ rằng chúng mang tính biểu thị một sự đo đạc, một nghiên cứu khoa học và biểu thị sự chính xác nào đó. Nhưng thật ra không phải vậy. Thống kê chính là một cách ngụy biện để lừa người khác dễ nhất, một phần vì lý do tâm lý như đã nói ở trên, một phần để bác bỏ nó thì đôi khi cần thời gian để tìm tòi và phản biện thông tin.

Kinh nghiệm rút ra: luôn cẩn thận, đặt dấu hỏi và kiểm tra nguồn rõ ràng khi ai dùng con số thống kê ra để trao đổi với mình, các bạn nhé. Thậm chí ngay cả có một nghiên cứu thống kê như vậy, chúng ta cũng phải cẩn thận với thời gian, ngữ cảnh, tần suất lấy mẫu và phương pháp thống kê được dùng trong vấn đề nghiên cứu đó và liệu con số thống kê đó có phù hợp ngữ cảnh câu chuyện đang bàn hay không ...

Tóm lại, một nguồn ngụy biện lớn chính là đến từ các con số thống kê được nêu ra trong tranh luận. Cẩn thận khi gặp nó ;)

#nguybienfallacy

results matching ""

    No results matching ""