Ngụy biện vin vào tính di truyền (kế thừa) (genetic fallacy)

Trong bài nói chuyện nhiều tranh cãi có tựa đề “Biển đông dậy sóng” (https://goo.gl/T3aG9y) cách đây vài năm, khi nói về nguyên nhân vì sao Trung Quốc hay gây chiến và chiếm đất Việt Nam, hòa thượng Thích Chân Quang đã có một quan điểm

(tóm tắt tại https://goo.gl/HEamUu) cho rằng - đó là (một phần) do theo huyền sử cách đây mấy ngàn năm, ông vua Kinh Dương Vương của Việt Nam là em của vua Đế Nghi của Trung Quốc và hay nhường anh, trong khi anh Đế Nghi hay bắt nạt em, nên Trung Quốc hay gây chiến, chiếm đất của Việt Nam và Việt Nam hay nhịn. Tính cách của hai ông vua này truyền từ đời này sang đời khác, cho đến bây giờ (hết tóm tắt).

Quan điểm như vậy của vị hòa thượng Thích Chân Quang là một biểu hiện của ngụy biện có tên: genetic fallacy (https://goo.gl/pIyKYE), tạm dịch là “ngụy biện vin vào tính di truyền (kế thừa)”. Đây là loại ngụy biện dành chỉ cho ai đó lợi dụng các yếu tố lịch sử, hay di truyền, kế thừa hoàn toàn không có tính logic nào liên quan (irrelevant) vấn đề đang bàn để biện minh cho quan điểm anh/chị ta.

Trong luận điểm trên của hòa thượng Thích Chân Quang, rõ ràng chúng ta không thể tìm ra được tính logic hay thực tế nào trong nhận định của ông ta. Chưa xét đến tính chính xác, khả tín của thông tin mà hòa thượng Thích Chân Quang đưa ra, cũng như chưa xét đến các yếu tố địa chính trị, lịch sử, văn hóa - một cách trực quan, chúng ta có thể đặt câu hỏi - làm sao tính cách, quan điểm các ông vua (là các nhân vật trong huyền sử, có thể không thật) như hai ông vua Đế Nghi và Kinh Dương Vương, lại có thể truyền từ đời này sang đời khác, ảnh hưởng cho các thế hệ sau đến cả nghìn năm như lời hòa thượng Thích Chân Quang nói? Nên quan điểm của hòa thượng Thích Chân Quang, rất rõ ràng, là đã phạm phải genetic fallacy, “ngụy biện vin vào tính di truyền (kế thừa)” này.

Dùng các yếu tố lịch sử, di truyền hay kế thừa có liên quan để giải thích, làm rõ các nhận định nào đó là một thói quen hay sử dụng, và đại đa số trường hợp nó có lý. Ngạn ngữ Việt Nam có các câu như “hổ phụ sinh hổ tử”, hay “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” … chính là minh chứng cho lối biện luận dùng tư duy này. Đa số chúng có lý, tuy nhiên lạm dụng nó cho tất cả trường hợp, sẽ dễ dính tới “ngụy biện vin vào di truyền (kế thừa)”, do không phải sự việc lịch sử, di truyền hay kế thừa nào cũng có liên quan (irrelevant) đến vấn đề chúng ta đang bàn.

Kinh nghiệm rút ra: khi ai đó dùng các yếu tố di truyền, lịch sử hay kế thừa để biện minh cho sự việc đang xét, bạn cần cẩn thận, độc lập và xem xét, liệu các nhân tố di truyền, lịch sử và kế thừa ấy có thật sự liên quan, logic tới vấn đề đang bàn hay không? Nếu không thì bảo người đối thoại rằng anh/chị ta đã không hợp lý khi dùng luận điểm như thế, với lý do bạn vừa phân tích. Bên cạnh đó, do tính trực quan, lối suy nghĩ thông thường đúng cho đa số trường hợp trong cuộc sống nên sự chủ quan vin vào di truyền, tính lịch sử, kế thừa để bảo vệ quan điểm nào đó một cách phi logic, dính ngụy biện “genetic fallacy” trở thành lỗi tư duy (vết xe đổ) của rất nhiều người Việt. Các bạn độc giả cũng cần cẩn thận và tránh rơi vào việc phạm phải lỗi ngụy biện này nhé.

Lưu ý: khi ai đó đã phạm ngụy biện “genetic fallacy” này, cũng có thể họ sẽ phạm luôn vài ngụy biện đã từng được đề cập trước đó như ngụy biện vin vào truyền thống (appeal to tradition, ví dụ 33 https://goo.gl/NYWlQp) và ngụy biện lợi dụng người nổi tiếng (appeal to authority, ví dụ 18 https://goo.gl/2tX9Fj), hoặc thậm chí cả “tấn công cá nhân (ad hominem) nếu kẻ ngụy biện dùng tính lịch sử, di truyền không liên quan vấn đề đang bàn để hạ thấp cá nhân và quan điểm người đối thoại.

#nguybienfallacy

results matching ""

    No results matching ""