BLAMING THE VICTIMS - ĐỔ LỖI NẠN NHÂN LÀ NGỤY BIỆN GÌ?
Dạo gần đây có rất nhiều câu hỏi gửi cho admin liên quan vấn đề blaming the victims (đổ lỗi nạn nhân), rằng đó có phải là ngụy biện không? Nếu có là loại nào? Bài viết này sẽ là phân tích và trả lời cho các câu hỏi ấy.
1 - BLAMING THE VICTIMS VÀ CÁC NGỤY BIỆN
Blaming the victims (đổ lỗi nạn nhân) là sự cố gắng thoái thoát trách nhiệm bằng cách đổ tội, đổ trách nhiệm sự vụ cho nạn nhân (https://goo.gl/blRAZ6). Một ví dụ điển hình cho “đổ lỗi nạn nhân” rất lợi hại, là các sự vụ tố tụng liên quan hiếp dâm, người ta thường có thể bảo rằng do cô gái ấy mặc quần quá ngắn, hay ai biểu cô ta đi bộ mình trên con đường vắng làm chi … “Đổ lỗi nạn nhân” là một kỹ thuật không chỉ thấy trong tranh tụng tòa án mà nó cũng xuất hiện nhiều trên không gian mạng và trong đời sống hàng ngày.
Từ góc nhìn phân tích ngụy biện, tùy ngữ cảnh cụ thể mà “Blaming the victims” có thể phạm vài ngụy biện khác nhau như sau.
- (Khả năng phạm) NGỤY BIỆN LẢNG TRÁNH CHỦ ĐỀ (avoiding the issues https://goo.gl/6KDa8o, xem ví dụ 28: https://goo.gl/r3ChdN): ngụy biện khi ai đó sẽ trả lời một luận điểm bằng cách đi vòng vèo các vấn đề xung quanh, và tránh né hay không trả lời các ý chính trong luận điểm đó. Khi ai đó “Blamming the victims”, họ sẽ có thể chỉ tập trung sự chú ý sang việc đổ lỗi cho nạn nhân, từ đó tránh đề cập vấn đề chính, đó là trách nhiệm/sai phạm nếu có của người gây ra tội lỗi/sự vụ đó. .
- (Khả năng phạm) NGỤY BIỆN THIÊN VỊ (cherry picking fallacy https://goo.gl/aqmEvy, xem ví dụ 22: https://goo.gl/frWzpI): loại ngụy biện khi ai đó thuyết phục người đối thoại/độc giả một cách không khách quan, đầy thiên vị bằng cách chỉ dùng các thông tin, bằng chứng có lợi cho luận điểm của anh ta trong khi lại lờ đi, hay che dấu các thông tin, bằng chứng khác không có lợi cho luận điểm ấy. Khi “blaming the victims”, nhiều người sẽ chỉ tập trung đổ lỗi nạn nhân, ít đề cập hay đề cập hời hợt trách nhiệm của người gây ra lỗi/thủ ác. Đó chính là sự thiên vi trắng trợn cho nghi phạm gây ra tội lỗi, trong khi họ mới chính là nhân tố đáng xem xét, bàn luận và nghiên cứu kỹ hơn. .
- (Khả năng phạm) NGỤY BIỆN GIÈM PHA, GÂY CHÁN GHÉT (appeal to spite http://goo.gl/g72Ffq xem ví dụ 12: https://goo.gl/neHlyv): ngụy biện khi ai đó dùng các từ ngữ hay cách nói chuyện để đánh vào tâm lý người đối thoại (hoặc độc giả), chứ không phải logic của vấn đề, để họ bỗng có tâm lý chán ghét (vô cớ) một nhân vật, đối tượng nào đó, và từ đó sẽ chấp nhận luận điểm sai trái của kẻ ngụy biện về vấn đề đang bàn. Một trong các thủ thuật khi “blaming the victims” là dùng ngụy biện này để gièm pha vô cớ nạn nhân, thậm chí nói xấu, vu khống, hạ nhục nạn nhân - từ đó gây cho người quan sát/độc giả có ác cảm (vô cớ) với nạn nhân và có thể xem nạn nhân xứng đáng bị kẻ thủ ác trừng phạt/bị xâm hại như thế.
Nói chung đa phần “blaming the victims” phạm ít nhất một trong các ngụy biện trên. Trong một vài trường hợp cụ thể, “blaming the victims” còn có thể sử dụng các loại ngụy biện khác, đan xen, bổ trợ nhau để bóp méo sự việc (ngụy biện rơm - straw man), công kích nạn nhân và đổi trắng thay đen. Chúng ta sẽ xem xét ngụy biện vài trường hợp “blaming the victims” mà chúng ta đã gặp gần đây.
2- MỘT VÀI NGỮ CẢNH
- NGỮ CẢNH 1: Facebooker Huỳnh Phước Sang đã từng có bài viết về việc anh bán hàng rong bị cảnh sát viên đánh đến chấn thương sọ não phải nhập viện. Trong bài viết ấy HPS đã “blaming the victims” đỗ lỗi cho anh bán hàng rong, bằng cách sử dụng ngụy biện gièm pha, gây chán ghét (appeal to spite) rất nhiều lần, để người đọc có ác cảm với anh bán hàng rong. Các thủ thuật ngụy biện kết hợp khác mà HPS sử dụng là “ngụy biện kết luận ẩu” (jumping to conlusions), “ngụy biện rơm” (straw man) và “ngụy biện gây sợ” (appeal to consequences). Các độc giả có thể xem kỹ hơn bài phân tích ngụy biện tổng hợp của admin dành cho status tệ hại của của HPS tại đây, https://goo.gl/Ovk8UF, nhé. .
- NGỮ CẢNH 2: Facebooker Quang Pín cũng đã từng có một status về việc cô bán hàng rong bị một công an viên núm tóc lôi đi giữa đường phố, trong đó cũng “blaming the victims”, đổ lỗi cho cô bán hàng rong chính yếu bằng ngụy biện gièm pha gây chán ghét (appeal to spite). Tệ hại hơn nữa, Quang Pín còn ngụy tạo ra các tin không đúng sự thật, để vu khống, làm nhục cô bán hàng rong, để độc giả suy nghĩ xấu về cô và từ đó đồng thuận cho hành xử của công an viên đó. “Kết luận ẩu” (jumping to conclusions) và “ngụy biện rơm” (straw man) bóp méo sự việc, cũng là các thủ thuật ngụy biện khác mà Quang Pín sử dụng trong bài viết ấy. Xem lại bài phân tích ngụy biện status của của Quang Pín: https://goo.gl/dLTYCn .
- NGỮ CẢNH 3: Cách đây vài ngày, khi trả lời phỏng vấn về việc các giáo viên ở Hà Tĩnh bị quan chức địa phương điều động đi tiếp khách, gồm cả ăn uống, tiếp bia rượu và hát hò, ông bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bảo rằng
(trích https://goo.gl/QGRwYq): “khi đã giữ nguyên tắc phẩm chất mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trước hết phải hỏi trách nhiệm của thầy cô đã, xong sau đó mới tính đến người ép buộc. Ai sai tới đâu xử lý tới đấy, còn thầy cô không phát huy được bản lĩnh của mĩnh, phẩm chất của mình thì lúc đấy lại đổ cho người khác” (hết trích).
Cách trả lời của ông Nhạ trong câu trên và trong bài phỏng vấn, đổ trách nhiệm chính cho các giáo viên thấp cổ bé miệng bị ép buộc tiếp khách ấy, chính là dùng ba loại ngụy biện đề cập ở trên: vừa là lảng tránh chủ đề chính (đó là sai phạm rất cần lên án của quan chức địa phương), vừa thiên vị (cho sai phạm các quan chức này), vừa gièm pha các giáo viên vốn là nạn nhân cho sự điều động vô văn hóa đó. Nói thêm, ở đây ông Nhạ là Bộ trưởng Bộ giáo dục, thế mà chẳng những không có các phát ngôn mạnh mẽ bảo vệ giáo viên bị ức hiếp trong ngành, mà còn dùng các ngụy biện khác nhau để đổ trách nhiệm cho họ. Rất đáng chê trách!
.
NGỮ CẢNH 4: Điều 46, bộ luật hình sự 2016 (https://goo.gl/NTVxKj), có đề cập các tình huống giảm nhẹ cho bị cáo, chẳng hạn như nếu chứng minh được (bị cáo) “Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra”. Cho nên nếu có các bằng chứng (buộc tội) nạn nhân sự vụ đã gây ra hành vi trái pháp luật khiến cho bị cáo bị kích động về mặt tinh thần, dẫn đến gây ra hành động phạm pháp thì bị cáo có thể được giảm nhẹ hình phạt.
Blaming the victims trong ngữ cảnh này (chứng minh nạn nhân có hành vì trái pháp luật khiến cho bị báo bị kích động về mặt tinh thần) do liên quan trực tiếp đến ngữ cảnh quy định luật pháp, đến sự vụ đang xét, nên có thể xem là hợp lý, logic và không ngụy biện.
KẾT - ĐỔ LỖI CHO NẠN NHÂN: TRÁNH LỖI TƯ DUY VÀ ĐỊNH KIẾN
Tóm lại, qua các ngữ cảnh mà chúng ta vừa xem xét, “Blaming the victims” – đổ lỗi cho nạn nhân, không phải lúc nào cũng sai, nhưng đa số trường hợp đều là phạm ngụy biện, nhất là trong các sự vụ nạn nhân là người yếu thế, bị bức hại.
.
“Blaming the victims” khi được dùng bởi mục đích xấu, biến sai thành đúng thì hầu như sẽ là kết hợp bởi các ma trận các ngụy biện khác nhau, như ngụy biện thiên vị, ngụy biện lảng tránh chủ đề và ngụy biện gièm pha … Nhận dạng ngụy biện, cũng chính là lật tẩy chiêu trò “blaming the victims” của kẻ xấu.
.
Lưu ý rằng “đổ lỗi cho nạn nhân” còn là một thói quen, cố tật tư duy trong xã hội Việt Nam. Nhiều người Việt khi nghe về những câu chuyện thị phi thường hay nghĩ “Không có lửa làm sao có khói”, và tự mặc định một nhận định rằng nạn nhân phải làm gì đó không phù hợp, không tốt nên mới bị lãnh hậu quả đó. Suy nghĩ “mặc định” đó rất có hại và nhiều khi thiếu tính logic, dễ rơi vào “kết luận ẩu”. Nói chung là mọi việc nên được phán xét minh bạch, nhiều chiều, logic, đúng luật và tránh cảm tính.
P/s: 1- mục lục toàn bộ bài viết trên page Ngụy biện – Fallacy https://goo.gl/G2SThz
2- EDIT bổ sung: tác giả tấm hình mà admin trích dùng minh họa trong status này là họa sĩ LAP (Lê Anh Phong), người chuyên sáng tác các biếm họa trên Tuổi Trẻ Cười. (Nguồn: https://goo.gl/DyJZf6). Xin cảm ơn họa sĩ LAP cũng như các độc giả đã cập nhật thông tin dùm admin.