Ngụy biện (nhập nhằng) mập mờ (ambiguity fallacy)

Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Vinatas, vừa đưa ra một thông báo vào ngày 17/10, bảo rằng

(trích lại từ Tuổi trẻ https://goo.gl/xivQVa): Gần 70% mẫu trong 150 mẫu được kiểm tra có tổng hàm lượng asen (thạch tín) không đạt so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế (hết trích)

Thông cáo trên của Vinatas làm người tiêu dùng hoang mang, nhưng lại rất có vấn đề và bị nhiều người chỉ trích, bởi vi Asen có hai loại, hữu cơ và vô cơ. Asen vô cơ độc, nhưng asen hữu cơ không độc, vô hại, có sẵn trong hải sản tự nhiên và nước mắm truyền thống mấy trăm năm qua.

Việc Vinatas dùng từ Asen mà không nói rõ hữu cơ hay vô cơ, chính là một thủ thuật ngụy biện, có tên “ngụy biện (nhập nhằng) mập mờ” - ambiguity fallacy (https://goo.gl/eVk0Au). Đây là tên dùng cho một họ các loại ngụy biện chỉ chung cho các trường hợp, khi ai đó sử dụng các từ ngữ, câu chữ, cách diễn đạt không rõ nghĩa, nhập nhằng hoặc mơ hồ để từ đó làm tiền đề cho kết luận hay luận điểm (rất khả năng sai trái) của anh/chị ta. Ở đây cách Vinatas đã mập mờ, cắt gọn thuật ngữ asen, không nói rõ nó là hữu cơ hay vô cơ, để cuối cùng kết luận nước mắm truyền thống không an toàn chính là điển hình của thủ thuật “Ngụy biện nhập nhằng, mập mờ”

“Ngụy biện mập mờ” rất thông dụng trong đời sống, ở các cấp độ khác nhau và và rất thường được sử dụng bởi giới chính trị gia. Chúng nhiều khi có tác dụng đánh tráo khái niệm và tinh vi, khó phát hiện. Kẻ dùng ngụy biện này cũng sẽ có thể thoái thác trách nhiệm nếu bị phát hiện, như bảo “tôi nói vậy, bạn hiểu sao cũng được” hoặc “tôi nói vậy hơi vội mà không làm rõ, xin lỗi” …

Trong ngôn ngữ Việt, các đại từ nhân xưng (ví dụ như “bạn”, “họ”, “chúng ta”, “chúng tôi” …) hay các từ chỉ số đông (ví dụ như “nhân dân”, “khách hàng” …), hoặc các thuật ngữ chính trị (ví dụ như “tổ quốc”, “nhà nước”, “đất nước” …) rất dễ bị lợi để nhập nhằng, đánh tráo khái niệm. “Ngụy biện mập mờ” (ambiguity fallacy) nguy hiểm hơn lại có mặt khá nhiều trong ngữ cảnh các văn bản pháp luật VN. Hệ thống pháp luật VN có nhiều cấp độ, cao nhất là hiến pháp, sau đó là luật do quốc hội ban hành, rồi đến nghị định dưới luật (thông tư chính phủ, các bộ ngành, địa phương) – nhưng rất đáng tiếc, đôi khi hay có các từ ngữ nhập nhằng, khó hiểu và thậm chí mâu thuẫn chồng chéo nhau giữa các văn bản luật (xem một ví dụ chẳng hạn tại đây https://goo.gl/h6q9Fm).

Lưu ý, ngụy biện cắt trích thông tin ngoài ngữ cảnh (quoting out of context fallacy https://goo.gl/lyOT1O, xem ví dụ 16 https://goo.gl/OCGwXm) có thể xem xét là một trường hợp đặc biệt của họ “Ngụy biện mập mờ” này (https://goo.gl/5ivcdp).

Kinh nghiệm rút ra: cẩn thận, đọc chậm, từ từ các thuật ngữ đáng chú ý trong các trao đổi chúng ta gặp hoặc trong các bài viết mà bạn đọc. Nếu thấy ai đó dùng cách nói, từ ngữ mập mờ hiểu sao cũng được thì cần bảo họ làm rõ từ đó. Rèn luyện thói quen nói mạch lạc, dùng đúng từ, đủ thông tin, chính xác cũng là cách để bản thân chúng ta tránh phạm họ ngụy biện này.

P/s: 1 - Liên quan sự kiện, trước sự chỉ trích và nghi ngờ trong thông báo tai hại này, Vinatas đã rút thông báo ra khỏi website của họ. Bộ trưởng Bộ truyền thông thông tin cũng chỉ ra sự bất cập trong thông báo của Vinatas, chẳng hạn như trong chuẩn an toàn liên quan nồng độ asen trong nước mắm của Bộ y tế là chỉ áp dụng cho Asen vô cơ, không đề cập đến asen hữu cơ (https://goo.gl/0zyDla). Ngoài ra Bộ y tế cũng đã có một thông báo sau đó và chỉ ra rằng 100% nước mắm được Bộ y tế kiểm nghiệm đều an toàn, không có asen vô cơ (https://goo.gl/3JPNcb). Tuy nhiên tác dụng tai hại của thông báo Vinatas vẫn còn đó, khi nước mắm truyền thống đã bị rút ra khỏi hệ thống vài siêu thị (https://goo.gl/NyWAzK)

#nguybienfallacy

results matching ""

    No results matching ""